Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 3)

Truyện của Khuất Đẩu

6.

Mặc dù thằng Pháp chưa đổ bộ hay nhảy dù xuống làng An Định, nhưng mỗi buổi sáng người ta thấy chúng quần đảo trên bầu trời Đập Đá. Chúng đi trên hai chiếc khu trục, không biết là từ biển vào hay từ Nha Trang ra. Hai chiếc máy bay như hai con đại bàng sắt khổng lồ, bay lượn, gầm thét rồi trút bom xuống cái đập mà ngày trước tụi Pháp phải tốn khá nhiều công của mới xây được.

Phải bảo vệ đập bằng mọi giá! Người ta bèn đem cả tấn dây dừa bện thành những tấm lưới rộng đến cả mẫu ruộng để che chắn cho đập. Người ta định hứng bom như hứng dừa rồi sẽ tháo ngòi nổ lấy thuốc làm lựu đạn. Người ta sẽ lấy của chúng đánh lại chúng như lấy gậy ông đập lưng ông. Nhưng cái tấm lưới ấy chỉ hứng được có mỗi một trái bom liền ngã sụp xuống sông. Không cây cọc nào chịu nổi sức nặng của nó. Ngưòi ta đành để mặc chúng muốn thả bao nhiêu thì cứ thả. Kháng chiến trường kỳ mà. Trong khi đó dường như thằng Pháp cũng trường kỳ tấn công, mỗi sáng chúng chỉ mang theo có hai trái bom, mỗi chiếc thả một trái, bắn tạch tạch một vài viên rồi lặn mất. Chúng cứ đều đặn như thế, nhởn nhơ như thế, thả thoải mái như thế nên cái đập như trêu ngươi cũng không thèm chịu vỡ!

Dân các làng chung quanh dường như cũng đoán được thói quen của chúng. Lúc đầu người ta kêu réo, gào khóc, chạy trốn như chuột. Hầm gia đình, hầm cá nhân, hầm cho học trò, hầm cho người đi đường… chỗ nào cũng hầm. Nhiều người chạy chưa kịp tới hầm đã lăn ra bất tỉnh. Cái tiếng thét gào của lũ máy bay sao mà kinh. Cứ như không cần tới đạn bom, chỉ cần nghe tiếng gầm rú của chúng cũng đã thấy đầu óc như sắp phọt ra ngoài. Nhưng lâu dần người ta không còn sợ cái tiếng quát nạt đó nữa, nhất là người ta biết chúng chỉ thả khơi khơi cho hết bom thì về. Mặc cho tiếng kẻng báo động người ta vẫn chống cuốc đứng xem. Một vài người còn khen nó bay lượn đẹp quá!

Một buổi sáng tháng chạp, người ta làm sạch đường để ăn Tết. Cả trăm người lố nhố cào cuốc quét dọn, lại đốt rác cho khói um lên. Hai chiếc máy bay sau khi thả hai trái bom xuống sông như thường lệ, bất ngờ bay vút qua đầu, cứ tưởng là chúng doạ chơi vẫn ngước mặt lên mà cười. Không ngờ chúng quần lại hạ thấp hơn, rồi một tràng đạn nóng bỏng xé gió găm thẳng vào lưng vào đầu. Hơn năm người chết và cả chục người bị thương. Những chiếc võng dây dừa được những người dân khốn khổ khiêng chạy qua các làng để đến nhà thương. Những giọt máu thiếu ăn trộn với bụi đường thành những hạt bắp nâu khô cứng.

Gọi là nhà thương nhưng chỉ có vài gian nhà nhỏ nằm bên cạnh một cái miễu hoang nép dưới bóng một cây sung già ở thôn An Dân mà đêm đêm thường nghe tiếng cú rúc đến lạnh mình. Một vài chiếc giường tre nằm dọc theo hàng cây rù rì. Những người bệnh thường là những người sắp chết lúc nào cũng thấy những chiếc lá rơi xuống trên mình như những lá vàng mã. Ở đây chỉ có độc một thứ thuốc đỏ và băng vải cắt ra từ những tấm vải mùng.

Những người bị thương ở đầu ở ngực thường chết ngay trên đường đi tới nhà thương. Chỉ những ai bị thương ở chân ở tay mới thấy được cảnh cưa xương róc thịt. Ai đã từng trông thấy một lần trong đời khi nhớ lại đều cảm thấy rợn người. Dầu không muốn, người ta vẫn phải cột người bệnh vào gốc cây. Một miếng vải đen bịt ngang mắt. Một miếng giẻ nhét vào miệng. Trông cứ như tội nhân sắp bị tra khảo. Cưa và dao được nướng trên lò than rồi nhúng vào nước kêu đánh xèo. Bác sĩ cầm dao ướm một ngón tay thử đã nguội chưa như một anh đồ tể thử xem dao có bén không. Thể rồi thịt ở bắp tay hay bắp chân được róc cho đến khi xương trắng lòi ra. Bệnh nhân kêu ú ớ qua nắm giẻ như bị mộc đè. Hai người y tá cầm cưa kéo qua kéo lại như cưa tre. Xương trắng thành bột rơi xuống đất. Khi cái phần thân thể bị dập nát và hôi thối được cắt rời thì bệnh nhân đã ngất xỉu rừ lâu rồi. Khúc xương vô dụng được ném cái bịch vào thùng mạt cưa. Một vài con dòi với hàng lông thưa và trắng từ trong ống xương lây nhầy bò ra. Một nắm bông tẩm thuốc đỏ như máu ấn vào chỗ mới cắt. Những khoanh vải mùng được đem ra quấn nhiều vòng. Thế là xong, bệnh nhân được đưa vào lán trại, vài hôm sau thì chết. Ai chưa chết thì lại phải chịu đựng một lần nữa cảnh cưa xẻ, rồi cũng chết vì đuối sức và bị nhiễm trùng.

Rất nhiều cái xác không thân nhân. Hoặc là dân tản cư, hoặc là do quá nghèo đành để mặc cho nhà thương lo liệu việc chôn cất. Mà nhà thương thì đâu giàu có gì. Chỉ có mỗi cái hòm gỗ sung xộc xệch cho hằng bao nhiêu xác. Vì vậy xác bị bỏ nằm sấp không cần đậy nắp được hai người khiêng đi lúc la lúc lắc. Đến đồng cây Sanh hai người không cần đào huyệt cũng không nói gì với nhau, chỉ cùng hự lên một tiếng rồi lật úp cái hòm xuống cát. Thế là người chết được ngửa mặt lên nhìn trời một lần nữa nếu có thể nhìn được. Một chiếc chiếu rách hay một một vài quần áo cũ được phủ lên, cát vun thành mồ. Hai người lặng lẽ khiêng cái hòm không trở về để chiều hay mai lại khiêng cái xác khác.

Cả cánh đồng cây Sanh trở thành một cái nghĩa địa nhưng chỉ một mùa lụt là chẳng biết mồ mả đâu mà tìm. Xương trắng lại trôi tấp vào các khu vườn hoang và nhà chùa Thiên An cũng không còn đủ sư sãi để thu nhặt nữa. Bọn trẻ chăn bò buồn buồn lấy những ống xương làm kiếm đánh nhau. Mỗi khi nhặt được cái đầu lâu, chúng lại chuyền nhau như trái banh.

Trong số những người bị thương có một cô gái nghe đâu là người trong hoàng tộc, Công Tằng Tôn Nữ thị gì đó. Chắc là khi Bảo Đại tuyên bố thoái vị trao ấn kiếm cho Cách mạng, cả nhà cô sợ quá bỏ kinh thành mà đi, rồi xiêu tán thất lạc, chết vì đói vì bệnh tật, giờ chỉ còn mỗi mình cô. Cô đẹp lắm, đẹp đến nỗi khi thấy cô mọi người trong nhà thương đều đứng ngẩn ra mà nhìn. Tóc cô dài, da cô trắng muốt, hai con mắt sâu và đen như chất chứa bao nhiêu nỗi đau của kiếp người.

Cô bị thương cả hai chân và những con vi trùng tai quái không thèm nể nang gì đến người đẹp cứ việc đục khoét làm cho vết thương sưng phù lên. Đành phải cưa bỏ. Buổi chiều cưa chân cô người ta đứng chật vòng trong vòng ngoài. Cô được đặt trên một tấm ván. Khi người ta định lấy dây cột và nhét giẻ vào miệng, cô xua tay không chịu. Dù vây bác sĩ vẫn cho người giữ chặt. Dao đã được đốt, cưa đã được nung. Bác sĩ dù đã hết sức cẩn thận vẫn có vẻ không tin cái việc cưa xẻ có thể cứu được cô. Khi cái lưỡi dao rạch một đường trên làn da trắng, mọi người cảm thấy đau nhói tưởng như đang rạch vào chính thịt da của mình. Những miếng thịt được bóc dần để lộ ống xương thanh mảnh. Và sau cùng là cái giây phút đau buốt tận óc khi lưỡi cưa nghiến rào rạo qua xương. Lúc này nhiều người bưng mặt không dám nhìn, nhưng cô không kêu. Cô vẫn nằm yên, chỉ để nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt đẹp như Phật bà Quan Âm. Hai cánh môi be bé của cô bật máu.

Cho dù có người hào hiệp tặng cô một lọ pênixilin là thứ thuốc quý hơn vàng và các bác sĩ hết lòng chăm sóc, nhưng chỉ đến ngày thứ ba là cô qua đời. Nấm mồ của cô được vun to nhất, nhưng khi mùa lụt tới, xương thịt của cô chắc cũng phải trôi đến chùa Thiên An để nương nhờ cửa Phật.

Bây giờ người ta mới thấy thấm thía chiến tranh là đổ nát chết chóc, là bệnh tật đói nghèo. Con chim bồ câu không thể bay mau hơn máy bay oanh tạc. Những câu khẩu hiệu dù cả vạn người hô cũng không át được tiếng bom. Mọi người vừa phải bươi chải kiếm ăn vừa tự cứu chữa bệnh tật để mà sống tiếp những ngày dài mệt mỏi với bao công việc đào hầm vót chông, những đêm dài chuyển lúa từ kho này đến kho khác, những tháng ngày lạc trong rừng sâu vì nghĩa vụ dân công…

Đã là nghĩa vụ thì không trốn tránh vào đâu được. Nếu không phải là bộ đội, không phải dân quân thì cứ đến mười tám tuổi là anh phải mất ba tháng trong một năm để đi tải đạn hay gánh gạo tiếp tế cho chiến trường. Đối với một người nông dân thì cái công việc ấy cũng không lấy gì làm nặng nhọc. Nhưng phải luồn lách trong rừng sâu, phải chạy bán sống bán chết vì địch truy đuổi, rồi lam sơn chướng khí, ăn uống kham khổ, hễ có được chút máu tươi nào thì muỗi mòng và vắt thi nhau hút mất… nên người nào cũng lo sợ khi đến lượt phải đi.

Cô Sáu tôi chưa đến năm muơi nên phải mất một tháng ròng đi gánh muối. Cô bảo chỉ có chục ký muối thôi, nhưng phải mang theo cả gạo, cọng với áo quần và phải mang cái gánh ấy trên vai suốt ngày trèo đèo lội suối, đâu có nhẹ nhàng gì. Đó là chưa kể tới cái khổ của đàn bà con gái. Đi qua những vùng toàn cỏ tranh, nước uống tìm không ra nói gì đến tắm giặt. Ngày trở về trông cô như một bà lão sáu mươi!

Người nào cũng mang một nỗi lo, nhưng không phải như ngày xưa, lo sao cho có lúa đầy bồ, có áo mới cho con ngày Tết, có tiền cúng giỗ ông bà. Giờ còn lo một cái gì to tát hơn, rất vĩ đại và cũng rất mơ hồ: Lo cho kháng chiến thành công! Cô Sáu nói, cỡ trôi sông lạc chợ như tao với mày mà cũng phải lo những việc bằng trời thì lo sao cho nổi!

Dĩ nhiên, những việc bằng trời thì có những người có đầu óc cũng bằng trời lo. Không thể đem cả trăm cả vạn con người ra mà phơi dưới thanh thiên bạch nhật để bọn chúng muốn bắn giết thế nào thì cư bắn giết. Chui vào đất không được thì chui vào đêm tối mênh mông. Vì vậy chợ không họp ngày mà họp đêm. Trường học, học từ đầu hôm hay từ nửa đêm về sáng.

Cuộc sống thay đổi lề lối sinh hoạt thì lũ trẻ chúng tôi lại càng có nhiều trò vui. Những buổi học đêm đối với chúng tôi là những cuộc vui không bao giờ dứt. Không như các buổi mitting ngồi đập muỗi mỏi tay chỉ để nghe hết ông này bà nọ thét gào, không như các buổi biểu tình rầm rộ đi khắp làng trong bụi đường mù mịt. Đi học đêm là nghịch phá và đôi khi hái trộm trái cây. Có đến mười ông Khứ cũng không sao ngăn được.

Chúng tôi mỗi đứa mang theo một cái đèn thắp bằng dầu dừa như những Phật tử trong lễ hội phóng đăng. Trước bảng, một sợi dây dừa chăng ngang treo lủng lẳng cả chục chiếc đèn. Lớp học không có cánh cửa nên bốn bề lộng gió. Đèn nhảy múa, bóng thầy bóng trò cũng chập chờn múa theo. Tù xa trông vào cứ như một lũ âm binh.

Lớp học bắt đầu bằng một cái lệ kỳ dị. Thầy giáo bí ẩn như một đạo sĩ cất tiếng hỏi: Học để làm gì? cả lớp trả lời: Học để phục vụ nhân dân và kháng chiến. Rồi thầy bắt đầu giảng: nước đá cứng như đá nhưng tan ra dưới ánh mặt trời. Ammôniắc có mùi hôi như nước đái bò! Chẳng đứa nào hiểu được tại sao cứng như đá lại có thể tan ra được, cũng như nước đái bò sao lại là chất hoá học và với những điều như thế thì làm sao phục vụ nhân dân và kháng chiến? Nhưng cũng chẳng có đứa nào buồn đưa tay lên hỏi. Một nửa lớp thì buồn ngủ, một nửa lớp thì đói và đầu óc thì đang nghĩ tới những trái ổi, trái sabôchê ở chùa Thiên An.

Trong cảnh yên lặng buồn buồn ấy đột nhiên có tiếng kẻng báo động. Như thế là tàu bay đi săn đêm. Đèn phụt tắt. Thầy và trò lao ra các hầm đầy nươc, đầy cóc nhái và rắn rít. Một lúc sau tiếng động cơ xa dần. Lớp học lại ầm ĩ tiếng cười đùa. Khi đèn được thắp lên, thầy bảo: muốn học nữa hay về? Cả lớp nhao nhao: Về! Về!

Cả làng An Định chỉ có một người con gái đi học. Chị là con một ông thầy thuốc từ Quy Nhơn tản cư lên. Chị tên Thảo hơn tôi đến bốn tuổi nhưng lại học cùng lớp với tôi. Là gái, nên chị không dám đi đêm một mình. Tôi được cả nhà ông thầy thuốc tin cậy để cùng đi với chị. Ông thường cho tôi một vài cọng cam thảo tẩm mật ong và chị thường dúi vào tay tôi khi cái bánh in khi trái chuối.

Một đêm tháng mười, trời mưa và lạnh. Khi tôi chợt thức giấc cứ tưởng là quá muộn nên vội vàng đến rủ chị đi. Đường đất trơn trượt, mây lần chị suýt ngã. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tới được trường. Giữa lùm cây tối đen chẳng thấy một ánh đèn nào. Hoá ra là còn rất sớm. Hai chị em kiếm giấy và rác đốt cho đỡ lạnh. Một lúc sau lửa tắt, hai chị em ngồi tựa lưng vào vách nói chuyện vu vơ. Gió lùa qua lớp đuổi nhau trong đêm tối sâu hun hút. Trong gió như có tiếng thét gào, rền rĩ, đôi lúc như có tiếng cười của những hồn ma ở đồng cây Sanh. Chị có vẻ sợ, mỗi lúc một nép sát vào tôi, sau cùng gần như chen hẳn vào giữa để cho tôi ôm vào lòng. Một cảm giác là lạ nhưng hết sức êm ái diệu kỳ. Tôi ngồi yên nghe tiếng mưa rơi, tiếng giọt tranh tí tách, tiếng gió xào xạc trên hàng tre và tiếng đập nôn nao trong lồng ngực chị. Dường như chị đang thiếp ngủ vì tôi nghe tiếng thở sâu dài và đều đều của chị.

Có thể chị chẳng mơ thấy gì và sau này chị cũng chẳng nhớ gì đên cái đêm mưa hôm ấy, nhưng tôi không bao giờ quên được cái khoảng ngực tôi áp sát vào lưng chị, lần đâu tiên tôi cảm nhận được cái làn hơi ấm áp ngọt ngào trong thịt da của một người con gái.

Những buổi học đêm trong chiến tranh không ngờ đối với chúng tôi lại là những phút giờ bình yên tươi đẹp nhất. Có thể chúng tôi chẳng học được gì nhiều ở những người thầy, nhưng chúng tôi đã học lẫn nhau, đã nương tựa để mà lớn lên. Mặc dù sống thiếu thốn khổ cực chúng tôi vẫn thấy vui, vẫn không có những nỗi lo âu sợ hãi như người lớn. Như thể chúng tôi đang đứng bên lề của cuộc chiến tranh.

7.

Nói là nói vậy chứ cái cuộc chiến này không cho phép một ai đứng bên lề. Bom đạn vẫn liên tục trút xuống cái mảnh đất nghèo khổ này. Mà mỗi ngày mỗi tàn nhẫn khủng khiếp hơn. Không chỉ có bom văng mảnh mà còn có cả bom napan thường gọi là bom xăng đặc. Cái quầng lửa nó bùng lên đẹp đẽ bao nhiêu thì cũng tàn hại bấy nhiêu. Nhà ông tổng Bá giống như một kho thóc nên đã nhận lãnh trái bom napan đầu tiên. Cả cơ ngơi mấy đời chỉ trong chớp mắt đã cháy vèo vèo thành tro. Sức nóng khủng khiếp của nó làm cho mấy cây dừa cao vút ở tận góc vườn khô quắt quéo. Hai cái cối đạp bằng đá xanh trông hãy còn nguyên nhưng lấy tay bóp thử thì nát vụn như phấn.

Năm ngày sau đến lượt nhà ông Chánh nhạc. Ai cũng tưởng nhà ngói thì cháy sao nổi nhưng khi lửa tàn, những viên ngói được nung một lần nữa không cứng như sành mà vỡ ra thành những viên nhỏ như sỏi. Ngay cả cốc tách được đem chôn cũng chảy đóng cục. Đám dân quân, đám phụ nữ theo lệnh ông Khứ và cô Thảnh thúc hối đem gàu mo chổi dụi chạy tới cũng chỉ đứng từ xa mà nhìn.

Từ đây lửa hoành hoành khắp nơi. Những nhà to ở các làng đều bị đốt. Tuy chưa có ai bị cháy thui nhưng những đám cháy phừng phừng vẫn làm cho người ta kinh hoàng. Các cụ đồ Ngân và cụ cử Vân nói với nhau, lửa trên sông Xích Bích cũng chỉ khủng khiếp đến thế này là cùng.

Nhưng đó là lúc các cụ chưa thấy cái biển lửa ở làng An Định khi Pháp rải xăng đốt cả đồng lúa đang chín! Lửa ngụt trời. Khói đen mù mịt. Cả làng cùng kêu thét như thấy con mình bị ai ném vào lửa. Rồi như điên như dại, tất cả cùng lao vào giành giựt nhau với lửa những bông lúa tội nghiệp đang run lên vì quá nóng. Ai có liềm dùng liềm, ai có dao dùng dao, những ai không có gì thì dùng tay không. Nhưng lửa như những con rồng hung dữ chỉ trong chớp mắt đã nuốt trọn cả cánh đồng. Cả đồng lúa đang trĩu hạt giờ chỉ còn lại tro. Mùi lúa cháy không khét như mùi nhà cháy mà lại thơm đến nghẹn ngào! Mặt đầy bụi tro lem luốc, đầy mồ hôi và nước mắt, mỗi người nhìn lại trong tay mình chỉ có một vài bó lúa cỏn con, ngơ ngác tự hỏi không biết sống làm sao đây!

Lại đói!

Người ta kéo nhau đi mót mì mót khoai ở tận Phù Cát, Phù Mỹ. Những đoàn người lếch thếch hệt như đám ăn mày chỉ khác là không bó chân những đồ dơ bẩn và không còn chó để chọc cho cắn rồi nằm vạ. Nhưng chẳng còn thứ gì để mà mót. Cả vỏ mì vỏ khoai trước đây là cho không, giờ thì cũng phải mua. Khoai sùng khoai thối cũng bán. Những người nghèo lại đi thất thểu với cái bụng đói. Người ta cũng chẳng thèm sợ tàu bay và chúng cũng không thèm bắn vào họ nữa.

Chúng đi phá đập!

Nghe nói Mỹ viện trợ cho Pháp hàng ngàn quả bom có cánh. Khi rơi xuống sông chúng biết tìm đến cửa đập và đúng lúc đó chúng mới chịu nổ. Thế là cái đập lưng mai rùa làm đã từng làm trợt bao nhiêu bom nay ngờ nghệch hả họng ra để nuôt cái chết vào bụng

Đập Đá nổ tung !

Rồi đập Đồng Cam ở Phú Yên cũng không còn!

Giá lúa một ngày tăng đến năm lần. Một gánh lúa bằng cả một gánh tiền tín phiếu.

Đang giữa mùa hè. Gió nam thổi suốt ngày đêm như những bầy ngựa hoang cất tiếng hí đuổi nhau trên cánh đồng. Sông cạn khô như có cả trăm con rồng cùng kéo tới hút nước.

Ông Khứ lại hô hào chống hạn!

Hàng trăm cái giếng được đào giữa ruộng vừa mới cháy. Trước đây hàng ngàn cây cọc theo lệnh ông chỉa lên trời thì nay hàng trăm cây xà beng thọc sâu vào bụng đất. Những mạch nước hiếm hoi ri rỉ được những chiếc gàu mo cán dài múc lên vung vãi trên đồng. Đất bị nướng. Một vài gàu nước tạt lên chỉ nghe đánh xèo một tiếng, khói bốc lên khét lẹt. Đến cây xương rồng cũng không trồng được chứ nói gì đến lúa.

Đang lúc mọi người phải chiến đấu tuyệt vọng với đói khát, hạn hán thì đột nhiên có tin xử tử Việt gian ở gò Na.

Cái tin mới lạ lùng làm sao! Hả hê làm sao! Thế là tất cả chết chóc, thương tật, ốm đau, nhà cháy, đập lở, ngay cả những con chó bị giết, những ngày đêm ngứa ngáy vì bị chí rận… người ta đều trút lên đầu Việt gian.

Mọi người quên đói, quên ốm đau, quên những ngày sắp tới không biết sống bằng gì… để náo nức đợi chờ. Ai cũng muốn biết mồm ngang mũi dọc của thằng Việt gian nó ra làm sao. Chắc nó mặt xanh nanh vàng, vừa hung ác như thằng Năm Quầng mà cũng vừa quỷ quyệt như thằng Lý Thông. Người ta kháo nhau về những việc làm hèn hạ của nó. Nào là chỉ điểm kho lúa, trường học, nhà thương… chính nó đốt nhà ông tổng Bá, nhà ông Chánh nhạc, chính nó ác độc báo cho Pháp biết đồng lúa chín… chỉ cần một mảnh gương nhỏ dắt đâu đó để mặt trời nhấp nháy là máy bay biết chắc nơi nào cần trút bom xuống. Nó còn rải truyền đơn rầm rì tung tin xấu, đặt những câu thơ phản động như :

Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ôi!

Chú khiêng lên hết chiến khu rồi

Thi đua sao cứ thua đi mãi?

Kháng chiến lâu dài khiến chán thôi!

Nói thế mà nghe được à? Ông Khứ nghiến răng trèo trẹo như thể sắp cắn vào cổ nó nếu nó dám nói trước mặt ông.

Gò Na, đó là một bãi tha ma lâu đời còn rộng hơn cả đồng cây Sanh nằm giữa hai thôn Yên Thới và Châu Liêm. Hãy còn sót lại những mả Hời đen lù lù bên cạnh những mồ mả của người đời sau, nằm rải rác giữa các bụi xương rồng và gai bàn chải. Những bụi duối cao to như những đụn rơm là hang ổ một thời của bọn giang hồ cướp giật Năm Quầng, Sáu Quẳng. Con sông Cái thỉnh thoảng lại nổi lên một cái xác chương phình mà dân làng này thường lén đẩy sang làng kia để khỏi lôi thôi với phủ huyện. Một con đường nhỏ mỏng manh như sợi chỉ nối hai làng lại với nhau, hoạ hoằn mới có người đi, trông bé nhỏ như những con rận trên một chiếc áo cũ.

Thực ra, ngày trước nó cũng không đến nỗi hoang vắng và đáng sợ đến như vậy, nhưng kể từ khi triều đình đem chém ba người học trò ở Châu Liêm và Yên Thới vì tội phá trường thi Bình Định, thì gò Na chẳng còn ai dám qua lại nữa. Đó là một buổi chiều đẫm máu và nước mắt. Pháp trường là một bãi cỏ giữa gò. Một bụi tre hoang được chặt tận gốc chỉ chừa lại ba cây tre đực. Ngọn tre được kéo xuống sát đất giữ chặt bằng những cái chảng ba. Tử tội bị xổ tóc buột vào ngọn tre còn thân thì bị trói vào cột. Khi đao phủ vung cái lưỡi dao bén và lạnh vào mỗi người thì, dù đã rời khỏi cổ, nhưng đầu vẫn chưa rơi xuống đất. Lại lia thêm một nhát nữa vào sợi dây buột ở chảng ba. Thế là ba cái đầu với sáu con mắt còn mở trừng trừng vì chưa hết bàng hoàng theo ngọn tre bay vút lên trời cao, rồi cứ thế đong đưa như những cái tổ chim giồng giộc. Lũ diều hâu và quạ quang quác bay đến tranh nhau róc rỉa cho đến khi chỉ còn là ba cái sọ trắng hếu, mỗi khi có gió thổi là khua lốc cốc.

Từ đó chẳng ai dám đi qua cái bụi tre oan nghiệt ấy. Chỉ có dân hai làng đến ngày giỗ thì tới sì sụp khóc than và rằm tháng bảy sư cụ bên kia sông dẫn đệ tử qua tụng cho một vài bài kinh siêu độ. Nhưng thỉnh thoảng, trong những đêm trăng mờ, người ta lại nghe có tiếng rì rầm bình thơ.

Đầu tiên dân làng ai cũng mong tới ngày xử bắn. Nhưng khi biết được trong số họ có Phùng văn Hiên con cụ đồ Ngân thì ai cũng ngơ ngác kinh hoàng. Không thể nào tin được một người tử tế như thầy Hiên lại đi làm cái việc hèn hạ là chỉ điểm cho giặc để chúng giết người đốt nhà. Cũng không thể tin được cụ đồ Ngân xúi con mình làm những việc phản động chỉ vì cái đình bị phá. Hay là chính thầy đã làm những câu thơ mỉa mai khiến ông Khứ tức ói máu?

Chẳng ai tin được những diều lạ lùng như thế. Bỡi vì tuy thầy không còn dạy bọn trẻ con nữa nhưng đêm nào thầy chẳng khản tiếng rát họng đọc I tờ, tờ I ti ở các lớp bình dân. Chính thầy được bình bầu là chiến sĩ thi đua diệt giặc dốt mấy năm liền kia mà. Chỉ mới đây nghe nói thầy ho lao phải ra Hội An chữa trị. Không ngờ thầy đã tìm cách trốn qua vùng địch. Cái tội ấy bị bắn là phải rồi, chỉ buồn là từ đây thầy bị gọi bằng thằng, thằng Việt gian Phùng văn Hiên! ông Khứ đã nói như thế trong buổi học tập kể tội thầy.

Ngày xử bắn, tuy chẳng còn ai náo nức đợi chờ nhưng cả làng cùng lặng lẽ kéo nhau lên gò Na, đứng sau lưng cụ đồ Ngân. Cụ chờ đợi cái phút giây cuối cùng của con trai mình với cái sĩ khí của một nhà nho. Cũng tại cái bụi tre oan nghiệt ấy, cũng một buổi chiều như buổi chiều năm ấy, chỉ khác là không có những cây tre đực bị kéo xuống sát đất, nhưng có bốn cái hòm trống hoác đang mở miệng chờ sẵn.

Thầy Hiên cùng với ba người nữa được một toán bộ đội đặc biệt đưa vào pháp trường. Bọn họ được hỏi ước nguyện cuối cùng. Có người xin điếu thuốc, có người xin ly rượu để có thêm can đảm, có người dặn vợ lấy chồng khác (ai mà dám lấy vợ Việt gian!) Thầy Hiên không xin gì chỉ lặng lẽ nhìn về phía cụ đồ. Có lẽ thầy thầm xin cha mình tha cho tội bất hiếu.

Sau khi các ước nguyện cuối cùng nhanh chóng được giải quyết, bọn họ bị trói vào cọc và bị bịt mắt. Tiểu đôi hành quyết tiến vào vị trí. Người chỉ huy hô: chuẩn bị! Súng được đưa lên vai, mũi súng hướng vào ngực tử tội. Rồi tiếp theo một tiếng đanh gọn như pháo lệnh: Bắn! Hàng chục tiếng đoàng vang lên. Cả bốn thân người rung lên dãy dụa. Người chỉ huy lạnh lùng đến kê súng lục vào đầu mỗi người bóp cò. Đó là những phát súng ân huệ!

Thôi thế là rồi đời thầy Hiên, người thầy giáo vỡ lòng của tôi và bao nhiêu học trò khác đang đi bộ đội hay làm dân quân du kích giữ làng. Cái chết của thầy mãi đến bây giờ vẫn còn là nột nghi án. Có thực thầy làm Việt gian hay thầy trả giá cho sự bội tình? Nghe nói thầy đã đi dạm hỏi cô Thảnh nhưng sau đó thầy nhất định không chịu cưới cô. Ở lại làng thì không thể không cưới. Chỉ còn một lối thoát duy nhất là phải đi vào vùng địch dù biết rằng đến chín phần là đi tìm cái chết.

Cũng may là thầy không bị bêu đầu như những sĩ tử năm xưa. Cụ đồ Ngân được phép nhận xác con về chôn. Mộ thầy nằm tận chân núi Mò O. Cô sáu và tôi đã hơn một lần lén đến thắp hương cho thầy. Cô tôi khóc y như hồi cô khóc cô Tâm. Một tháng sau, cụ đồ Ngân không chịu ăn uống gì trong suốt năm ngày để được chết theo con.

(Còn tiếp)