Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

ĐOẠN CUỐI MỘT ĐỜI CHÓ

Truyện

Lê Hữu Nam

Nhà bà Tư có con Lằng hay sủa đêm, Lằng là chú chó bec-gê phối giống, nom bệ vệ nhưng không dữ dằn cho lắm. Lằng có một thói quen định sẵn, cách năm bảy đêm, đến chừng mười hai giờ khuya, tiếng sủa như sấm rền của nó như muốn đánh thức cái xóm với nhân khẩu chừng trăm người, nhưng Lằng chỉ sủa chừng vài tiếng rồi lại nằm cụp mõm ngủ một mạch đến sáng nên xóm giềng chẳng ai nỡ mắng vốn nhà bà Tư. Mà dường như từ khi bà Tư đem con Lằng về nuôi, gia đình bà phất lên hẳn. Đầu tiên là chuyện anh con trai đầu của bà Tư đang làm công nhân thì đột nhiên có một suất đi lao động Hàn Quốc, từ đó hàng tháng anh ta gửi về cả chục triệu đồng cho bà Tư sắm sửa rình rang, và gần đây anh này con gửi một lần đến cả trăm triệu để bà tu sửa căn nhà khang trang hơn. Người con gái xưa nay nổi tiếng lêu lổng lại may mắn vớ được anh chàng trí thức làm ở một tập đoàn xây dựng, không lâu sau hai vợ chồng dựng lên một công ty tư vấn có mánh lới ngon lành. Lạ lùng nhất là căn bệnh đau viêm khớp tưởng mãn tính của bà Tư bẵng thời gian không thuốc thang chữa trị cũng tự nhiên lành luôn. Giờ bà đi như chạy một cách ngon lành.

Chuyện con Lằng nhà bà Tư mang lại vận may vượt rừng cỏ lau, băng qua mấy con sông, đồn đến tận thành phố lớn, có vậy mới xuất hiện mấy ông bự đi xe con đến tận nhà hỏi mua con Lằng. Phần mấy ổng thấy con Lằng đẹp mã, hiền lành, quấn chủ, phần sau khi mục sở thị thì ông nào ông nấy phải công nhận chuyện con chó khôn này mang đến vận may là đích xác. Nhưng mà các vị khách có trả bao nhiên tiền, uốn lưỡi năn nỉ bao nhiêu lần hay chắp tay vái bao nhiêu lạy, bà Tư dứt khoát không bán là không bán. Bà Tư nói không phải vì con Lằng đem đến vận may như đồn thổi mà bà không bán, chỉ vì bà nuôi nó đã lâu nên xem như con cháu trong nhà. Vắng nó mấy ngày là bà buồn sinh bệnh, còn chuyện hên xui thì do trời cho mà thôi, bà Tư nói như xối nước lạnh vô mặt mấy ổng.

Con Lằng trở nên nổi tiếng, người ta mới moi ra tiểu sử của nó, mà cái tiểu sử cũng chẳng kém phần ly kỳ. Lằng sinh ra trong một trang trại chó nuôi, được vài tuần tuổi thì một gia đình khá giả đến hỏi mua. Về nhà mới, Lằng được đối đãi tốt, nhất là ông chủ nhà. Sáng chủ nhật nào cũng vậy, ông dắt chú chó cưng của mình đi câu ở mấy con lạch vùng ngoại ô, câu được con nào là ông cho Lằng ăn bằng hết. Vào mỗi tối Lằng lựa một chỗ êm ái trên chiếc đi văng cạnh bên chủ của mình, khi ông đang ngồi đọc sách nó thường dúi mõm vào người ông, được chủ vuốt ve, nó ngủ say trên người ông.

Thời gian con Lằng lớn như thổi cũng là lúc gia đình này bất ngờ tán gia bại sản, mọi người trong nhà lần lượt đổ bệnh nan y. Cái hiện tượng lạ lùng ấy khiến người ta phải phát sợ. Túng quẫn, ông chủ nhà thắt cổ tự tử trên gốc mận sau nhà, người đầu tiên phát hiện ra thi thể ông trên cây là con Lằng chứ không ai khác.

Lúc bấy giờ, nửa đêm người ta nghe tiếng sủa thảm thiết của nó, không phải, đó là tiếng tru thì đúng hơn, và âm thanh đó làm cả khu phố phải choàng tỉnh, họ lũ lượt kéo nhau đến chỗ nó. Sau hôm đó, có người kháo rằng đã nhìn thấy con Lằng nhỏ lệ - nó khóc vì sự ra đi đột ngột của người chủ, hay là giọt nước mắt ăn năn của loài vật gì đó, đại loại người ta bàn tán như vậy.

Vài ngày sau, người trong nhà trừng phạt con Lằng một cách man rợ, đủ các màn đánh đập, hành hạ trút lên lưng con thú trung thành tội nghiệp. Bà Tư rùng mình khi được người ta kể cho nghe chuyện con chó gieo vận rủi lên gia đình chủ của nó, nhưng khi tận mắt nhìn thấy con vật bà lại không hề do dự xin nó về nuôi.

Chuyện một người đàn bà xa lạ đến xin con vật xui xẻo về nuôi là câu chuyện quanh mâm cơm, bên xe bánh mì, tràn ra khu phố. Có lúc người ta tự bàn thảo về lòng từ bi, có lúc lại như ám chỉ trên đời sao có người dở hơi. Cao hứng hơn, người ta chẳng hề ngượng miệng cho rằng người đàn bà ấy xin con chó về để làm bảy món thịt cầy. Rất nhiều điều được thêm thắt, thổi phồng trong sự kiện này.

Là một chú chó lai bec-gê trưởng thành nhưng Lằng chỉ xấp xỉ ba mươi ký và lúc nào cũng tìm chỗ xó xỉnh, tối tăm rồi khoanh tròn cái cơ thể trơ xương như tìm nơi an toàn nhất cho mình. Bà Tư bằng mọi cách vẫn không làm sao lại gần được nó. Lằng là cái tên do bà Tư đặt, là do lần đầu tiên gặp nó, bà Tư kinh hãi nhìn thấy trên mình con chó đầy những vết lằn, vết xước, máu tươm khắp nơi trên da thịt.

“Mày ráng ăn, nhà tao nghèo nhưng coi chó cũng như người, không để mày đói đâu. Rồi mày sẽ bình an thôi”. Bà Tư trở thành điểm tựa cho con Lằng bằng cách rất giản dị, bằng lòng yêu thương loài vật và tin rằng chúng cũng biết yêu thương, nhớ nhung, sợ hãi như con người. Dần dà, con thú tội nghiệp cũng đã quen sự âu yếm, vỗ về mà tin cậy chấp nhận hơi chủ mới.

Sau thời gian được bà Tư chăm sóc, con Lằng lấy lại được trọng lượng cũ, trở nên vui vẻ thanh thoát. Tấm nệm cũ bà Tư cố ý đặt ở sân nơi nó thường nằm để phơi nắng. Biết nó thích ăn cá sống nên thi thoảng bà Tư đạp xe về dưới miệt quê xách lên cho nó mấy cân cá rô phi, con nào con nấy ú nú, nhảy lóc phóc làm con chó mừng phớn.

Dù vậy Lằng không vồ ngay lấy thức ăn như những con chó khác mà ý tứ chờ đợi bà Tư ra hiệu. Trước khi ăn, Lằng muốn được bà Tư vò vò hai tai, xoa xoa cái đầu.

Lằng ăn cũng từ từ, mõm gặm cái đầu cá rất ư gọn gàng, nhai nhè nhẹ và không để nước tanh chảy xuống sàn.

Mặc dù đã quen với người chủ mới, nhưng nó vẫn cứ sủa một cách lạ kỳ vào đêm, nhất là những đêm u tịch. Tiếng sủa của nó có chút gì đó thê lương, đáng thương chứ không hù dọa, gầm gừ, gần như là một tiếng tru buồn thảm. “Nó sủa theo thói quen ấy mà”, bà Tư vẫn giải thích cho hàng xóm. Con chó nhìn người chủ, chừng hiểu và cảm kích, nó dúi mõm vào tay bà Tư, hít hà cái làn hơi quen thuộc của bà.

***

“Bà Tư đâu? Coi con Lằng nhà bà nè”. Giữa trưa nắng đổ lửa, tiếng bà Sáu Vía oang oang cả xóm nhỏ.

Bà Tư lật đật chạy ra. Một cảnh tượng hiện ra. Bà há hốc mồm kinh hãi. Là con Lằng ư? Bà không thể tin nỗi, con vật ngoan ngoãn, nhút nhát của bà giờ không khác một con thú hoang, hàm răng nhọn hoắc của nó vừa cắn chết con gà mái mẹ, cái mõm dài ngoằng táo tợn đang ngấu nghiến con mồi. Mỡ và máu con gà chảy loang cả thềm sân nhà bà Sáu. Đàn gà con gần đó kêu gào trong hỗn loạn.

Dù biết bà Tư đang tức giận đùng đùng nhưng nó vẫn thản nhiên nhai nuốt con mồi một cách không thương tiếc. Trước đó, nó cũng đã bị thằng con trai bà Sáu dúi cho mấy gậy tàn khốc. Bà Tư nhìn thấy đám lông bị cháy sém, lộ lớp da còn xì xèo khói, là dấu vết của cây cời than được hơ nóng ấn vào mình nó.

Bị làm đau như vậy nhưng nó vẫn thực hiện cho bằng được hành vi hoang dã của mình thì phải có gì đó dữ dằn lắm đang diễn ra trong nó. Trong lòng bà Tư cảm giác thương xót bỗng mạnh hẳn lên so với sự tức giận.

Tối đó con Lằng đã không về nhà.

Sáng mai bà Tư dậy sớm đi chợ mua đồ làm đám giỗ chồng. Vẫn chưa thấy con Lằng quay về khiến bà đâm lo. Khi ra tới chợ, bà thấy con Lằng của mình đang bị một nhóm người vây bủa đánh đập. Con chó gào rống những âm thanh tuyệt vọng cho đến khi người chủ hom hem của nó chạy nhào vô, gạt xô đám đông đang sôi máu ra.

Nhìn con Lằng trong bộ dạng thảm thương, bà Tư hết sức xót xa. Bà ôm con Lằng vào lòng, cố gắng xoa dịu nó nhưng con vật tìm mọi cách thoát khỏi vòng tay bà.

Mình mẩy con Lằng giờ chỉ là một cái xác rách te tua đầy máu me, ướt đẫm cả bộ lông đen, cổ chỉ còn trơ ra thịt và gân.

Nó chỉ có thể thở bằng mõm và bò bằng đầu gối. Nỡ lòng nào người ta đối xử với nó như vầy? Bà Tư cố gắng không khóc. Bà quyết đuổi theo nó, mặc kệ hàng chục đôi mắt ghét bỏ đang ném về phía mình và con chó.

***

Đám giỗ ông Tư, mấy đứa con với họ hàng thân tín đằng bà Tư góp mặt đông đủ, cả người con trai lớn ở Hàn Quốc cũng về. Mặc dù ông Tư mất cách đây cũng hơn chục năm, nhưng cứ mỗi lần giỗ ông là mọi người tề tựu cùng nhau, nói cười râm ran, nhắc lại chuyện ông ngày còn sống.

Nhưng đám giỗ năm nay chẳng giống mọi năm. Nếu trước đây họ quây quần bên mâm cơm thì hôm nay họ đang ngồi quanh con chó đang hấp hối.

“Đưa nó đi bệnh viện đi má. Nó mà chết là nhà mình khó làm ăn nên nổi”. Con gái bà Tư thảng thốt.

“Nó mà chết là có khi là hết sạch luôn hổng chừng”. Anh chồng cô bồi vô, giọng nghiêm trọng.

“Hay làm thịt nó đi”. Thằng Út phát ngôn một câu hết sức trêu gan. .

“Bậy!”. Em gái bà Tư nạt ngang.

“Ăn thịt nó trời đánh chết sao mày, tán gia bại sạn chớ chẳng chơi. Trời đang cho nhà mình vận may, mà vận may là từ nó. Đúng là thằng ngu”. Anh chàng Việt kiều chửi thằng em.

Bà Tư hiểu tâm trạng của mọi người nhưng với bà, sự sống của con Lằng có một cái gì đó còn vượt ra khỏi những gì ích kỷ, vụ lợi. “Thôi, để nó nằm đây đi. Số con người do trời định hết, con vật cũng vậy thôi”. Bà Tư kiên quyết, giọng bà nghèn nghẹn.

***

Người đàn ông có cái đầu hói, trán bóng lưỡng, mặt chữ điền hiền hiền, sở hữu một cái bụng tròn nhưng chưa đến nổi phệ bước xuống xe. Theo sau ông là con vật bốn cẳng quen thuộc. Nó có cái đuôi to, mõm hơi dài, hai tai vểnh, bộ lông xám và đen mượt. Tay người đàn ông xách một cặp da hiệu Bally, con chó luôn đi sát chủ tiến vào ngôi nhà xưởng, chung quanh đầy cỏ, vương vãi miểng chai.

Trong nhà xưởng, máy móc từ lâu ngưng hoạt động, đã han gỉ hết. Chính giữa là cái bàn dài chừng bốn thước, có sáu người ngồi đợi. Ba người tướng tá rất sang, ba người còn lại thuộc hạng không xoàng, đeo kính đen, dây chuyền vàng cũng cả cây, quần áo bận ra dáng xã hội đen, trực chiến.

Cảnh thương lượng bắt đầu. Người đàn ông không ngồi, đặt chiếc cặp lên bàn vẻ dò dẫm rồi nói, “Tất cả ở trong đây”. Sáu cặp mắt dán chặt vào người đàn ông và cái cặp da bằng cái nhìn thiêu đốt. Con chó đánh hơi thấy hắc khí từ đó hắt ra nên không rời mắt khỏi bọn người này.

Bọn chúng chắc chắn sẽ có toan tính.

Ông điềm tĩnh: “Sao? Các ông muốn có nó đúng không? Tiền đâu?”.

“Tiền ư?”. Một gã bặm môi hỏi ngược, nhưng không ngờ đó là một ác lệnh. Người đàn ông lùi vội ra sau.

Ba tên côn đồ được phen phô diễn, chúng lao thẳng đến chỗ người đàn ông, nhưng bất thần dừng lại khi con chó lai giống bec-gê đứng chắn ngang trước mặt. Con chó nhe hàm răng nhọn hoắc hù dọa.

“Bà mẹ mày!!!”. Tay côn đồ khác phang một gậy trúng huyệt mạch con chó, con vật rống lớn cho hả cơn đau rồi lao thẳng đến, vật hắn ra sàn nhà. Hắn kháng cự bằng thể võ mà hắn đã học được từ trong rừng, để đấu với thú dữ. Những thằng còn lại lao đến chỗ người đàn ông nhằm chiếm đoạt cái cặp da. Cảnh giằng co diễn ra không lâu vì số đông dã tâm chiếm ưu thế.

Cái cặp rơi vào tay bọn “đối tác”. Gã sếp sòng giật lấy, mở cặp ra. Người đàn ông chồm đến toan giật lại liền bị đánh ngã xuống sàn.

Chúng quay sang thanh toán con chó. Người đàn ông nằm trên sàn đau đớn chứng kiến con chó của mình bị lũ người hung ác tấn công. Tất cả sáu tên bủa vây và khiến con vật nhừ tử bằng tất cả vũ khí chúng có: xà beng, ông tuýp và những cái đá đạp dã man, cho đến lúc nó gục xuống chỉ còn rên ăng ẳng như con cún chết đuối.

Xong việc, chúng tẩu thoát, để lại người đàn ông bầm dập tơi tả và con chó quằn quại chỉ có thể thở bằng mõm. Cả hai đúng là nạn nhân của một màn hành xác man rợ nhất.

Sau khi chữa lành vết thương da thịt, người đàn ông vẫn tiếp tục ở trong trạng thái cực kỳ đau đớn về tinh thần. Trong chiếc cặp da chứa một tài liệu quan trọng của công ty ông, ông đã định dùng nó để đổi lấy số tiền rất lớn. Ông đã bán linh hồn cho quỷ dữ, đã đánh đổi sự liêm khiết của mình để đổi lấy số tiền ấy. Nhưng trời đã kịp phán xử.

Song, chẳng ai biết ông làm vậy để cứu mạng sống của con. Mới tháng trước, ông chết lặng cầm trên tay kết quả chấn đoán của bác sĩ. Thằng bé mắc bệnh ung thư máu. Sau đó người ta lại thông báo thằng bé có thể được cứu sống nhờ chính tủy của ông.

Nhưng, chi phí cho ca đại phẫu có thể kiếm đâu ra?

Sau cuộc họp bàn về chiến lược kinh doanh, ông đã được giao toàn bộ tài liệu của công ty để chuẩn bị cho buổi công bố. Tài liệu này không chỉ là một kết quả mỹ mãn của công ty ông mà còn là niềm mơ ước của những đối thủ cạnh tranh. Và thế là cuộc chiến diễn ra, là lúc một nhóm người hẹn gặp ông tại một nhà xưởng bỏ hoang. Ông đã mang theo chú chó lai trung thành đi cùng đề phòng họ chiếm đoạt tài liệu. Tất cả được ông đánh đồng với sự sống chết của con mình.

Một tuần sau ông thấy con trai mình đã không thể rời khỏi giường. Tiếng rên siết của thằng bé càng lúc càng thê lương, hơi thở có lúc dài thượt có lúc đứt quãng. Sự thống khổ và khánh kiệt dằn nặng lên bờ vai ông. Ông thấy cái trác bắt giam đang hiền hiện trước mặt. Ông có thể tự kết liễu đời mình, nhưng vẫn còn một trở ngại, đó chính là con chó của ông, ngày đó nó còn được ông đặt tên là Trẫm.

Sau cái ngày khủng khiếp đó, con Trẫm luôn ở sát cạnh ông một cách tận tụy. Ông biết điều đó nên một tối ông cho nó ăn thịt bò tái có tẩm ê-te. Ông bảo vợ tiêm morphine cho con trai, rồi tựa mình trên tràng kỷ, ông ngắm hai giấc ngủ thân thương cùng một lúc.

Đèn tắt, ông lẳng lặng ra sau vườn cùng dải vải màu trắng. Ông cẩn thận bắc chiếc ghế đẩu rồi trèo lên, tròng mảnh vải qua cành cây rồi nhẹ nhàng quấn dải khăn mềm mại qua cổ. Ông nhìn mọi vật xung quanh, màn đêm ủ lạnh, cây côi đang ngủ, gió lay nhẹ chòm tóc hoa râm của ông. Ngôi nhà thân thương của ông ẩn trong màn đêm, ở đó có thể sẽ có sự oán thán…

Ông mỉm cười chua chát, đá chiếc ghế bật khỏi chân, toàn thân ông lắc lẩy.

Con Trẫm phát ra mấy hồi tru thảm thiết.

Trong đám tang của người đàn ông, có một đứa bé đang hấp hối, một con chó bị khất bữa.

Cuộc đời của chú chó lai bắt đầu chuyển biến.

***

Con Lằng vẫn chưa thể tự ăn, vết thương trên da thịt vẫn chưa có vẻ bình phục dù bà Tư đã tiêm mấy cữ Spectinomycin. Bà chủ già buồn rầu nhìn con chó đang dần rơi vào tình trạng hôn mê. May mà anh con trai từ Hàn Quốc đã gửi về một gói thuốc kèm theo lời dặn “Thuốc này quý lắm. Má đừng để con Lằng chết. Nó sống con mới yên tâm làm ăn”.

Y như rằng hai hôm sau, con Lằng đã có thể ngốn hết thố cơm nóng và hai cái đùi gà tổ chảng, rồi lại hì hục chạy theo lũ chó bạn trong buổi sớm mai.

Nhưng sau lần hồi phục này, con Lằng biệt không sủa đêm nữa. Đó là tin vui cho cả nhà. Một tuần sau, nó theo vợ chồng con gái bà Tư đi đổi gió ở Vũng Tàu. Trong chuyến đi, nó đã trở thành người hùng vì đã cứu một đứa bé khỏi chết đuối.

Cô con gái hí hửng kể: “Cả đám đàn ông trố mắt nhìn con Lằng nhà mình bơi ra giữa biển. Đúng là “thiên quyển” mà. Rồi nó thơm con Lằng chụt chụt.

Nghe vậy, bà Tư cũng mát dạ. Thế nhưng mười ngày sau, anh con rể ủa bà lái xe gây tai nạn chết người, lo ma chay cúng điếu cho nhà người ta hết hơn trăm triệu. Một tháng sa, con gái của bà sẩy thai khi vấp phải chính con Lằng nằm thù lù dưới chân.

“Tại nó, tại con chó. Hu hu…”. Con gái bà Tư khóc lu loa.

“Chắc đến lúc vận rủi ồi đó má”. Anh rể quay sang nhìn con chó đầy căm phẫn.

“Thịt! Nói chi nhiều!”. thằng Út vừa nói xong thì con Lằng nhảy bổ vào người hắn, vật hắn ra giữa nhà rồi bỏ đi khiến cả nhà một phen sửng sốt.

“Tao phải giết mày mới được”. Thằng Út đằng đằng sát khí.

Dù Bà Tư rất đau lòng với bao nhiêu chuyện rủi của con cái, nhưng chì chiết đổ lỗi cho con chó không phải là cách bà đồng lòng.

“Nó chỉ là con vật, mắc mớ gì đổ tội cho nó. Đòi ăn thịt no, nó hổng cắn cho là may”.

“Lần này con sẽ túm nó về cho nó một trận”.

“Tại nó mà nhà mình gặp bao nhiêu xui xẻo một lúc”.

“Chẳng lẽ họa phúc gì tụi mày cũng đều đổ con chó? Miệng chó sao mọc được ngà voi?”. Nói xong bà Tư đùng đùng bỏ đi.

Mấy tuần sau, một cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về, nhưng không phải giọng nói quen thuộc của anh con trai. Nghe xong, bà Tư xuội lơ, hai dòng nước mắt chực tràn trề… Thêm một mất mát lớn nữa kể từ ngày ông Tư giã biệt cuộc đời…

Đúng lúc đó, con Lằng lửng thửng chạy từ ngoài vào, dúi mõm vào chân bà như cố xin bà bình tâm. Bà thẫm thờ đưa tay xoa đầu nó. Con vật nhìn người chủ với đôi mắt biết ơn.

“Không lẽ như vậy thật? Chẳng lẽ là tại mày?”.

Bà Tư không muốn nghĩ thêm. Chắc chắn không phải vậy, bà không thể tin điều đó. Nó luôn là một con vật rất mực trung thành...

Nhưng khi nhớ về tất cả mọi chuyện đang xảy ra, bà không thể không nảy ra một ý nghĩ…

Ngày hôm đó, bà cho con Lằng ăn năm ký cá rô phi, một nồi cơm nóng. Đến tối bà gọi riêng thằng Út để nói chuyện. Sau khi nghe mẹ nói, hắn trả lời đầy vẻ đắc ý.

“Dạ, để con làm ngay”.

“Nhớ chôn nó tử tế nghe con”. Bà Tư bật khóc.

Đêm u tịch, gã thanh niên mang xác con chó đã bị đánh bả ném đại vào bãi đất hoang rồi cười hả hê, quay về.

***

“Cứu Tinh, đi theo tao!”. Thằng bé bụi đời gọi chú chó cưng của mình, con vật đã cứu mạng nó trong một ngày mưa bão. Cứu Tinh chạy nhanh đến bên ông chủ nhỏ. Nó dúi mõm vào người cậu bé một cách hồn nhiên rồi cả hai bước đi về mặt trời.

Không ai biết, Cứu Tinh cũng có cả một cuộc đời oanh liệt phía sau.