Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Trăng nguyên sơ (Kỳ 3)

Tiểu thuyết

Nam Dao

3. hoa mùa độc

Sáng tinh mơ hôm sau, tôi lại đi vòng bờ hồ. Một vòng, rồi hai… Đến vòng thứ ba, con bé hôm qua ở đâu xô ra lẽo đẽo theo sau. Thêm một vòng, nó rướn đến cạnh tôi, chạm nhẹ vào tay tôi, mủm mỉm cười. Làm như không biết, tôi nhìn thẳng, rảo bước. Nó đi như chạy, thỉnh thoảng lại khều khều. Cho đến khi tôi ngừng chân, mắt nhìn phía xe chạy, nhấp nhổm qua đường, nó nói “cháu đi mở đường cho!”. Nhớ hình ảnh bà cụ bị xe đụng hôm qua, tôi rùng mình, không trả lời.

Sang đến hè đường bên kia, con bé chìa tay:

“… cho cháu tiền phở như hôm qua đi, công cháu mở đường cho chú. Nhé, chú nhé!”

Gạt tay con bé, tôi leo lên tam cấp vào khách sạn. Mở vòi nước lạnh, tôi lẩm bẩm một mình, sao mãi chẳng thấy Trang điện thoại. Tắm táp xong, tôi mở máy gọi Thụy. Không nói chuyện được, tôi đành để tin nhắn, ra ngoài tìm quán ăn điểm tâm. Con bé đứng chờ ngay cửa khách sạn, nhưng làm như ngẫu nhiên, thờ ơ: “Cháu chào chú”. Tôi đi thẳng lại cái quán gần Nhà Chung, ngồi vào chiếc bàn kê cạnh cửa kính. Húp đến thìa thứ hai bát bún thang còn bốc khói, con bé đến sát bên, mắt chòng chọc. Thế này thì còn ăn uống gì được hả Trời! Con bé chỉ tay vào mồm, vào bụng, nước giãi ứa ra khoé miệng, ánh mắt khẩn cầu. Chắc nó đói, tôi tự nhủ. Miếng bún nghẹn ở cần cổ, tôi quay đi. Đứng lên, tôi ra cửa quán ăn, vẫy. Khi nó đến cạnh, tôi đút vào tay nó năm nghìn. Con bé lẩm nhẩm:

“… vẫn như hôm qua, còn vật giá thì leo thang!”

Tôi gần phát điên, hỏi “Ai bảo mày vậy?”. Nó thản nhiên “Mẹ cháu chứ còn ai. Rồi đài, báo… chỗ nào cũng nói thế cả!”.

Nắng đầu ngày mỗi lúc một gắt. Tiếng xe gắn máy rầm rầm, kèn bóp inh ỏi. Trong lòng những con đường trung tâm Hà Nội, khói xe bay mù, mùi xăng bốc lên. Tần ngần, tôi chẳng biết đi đâu, lớ ngớ nhìn quanh hệt một kẻ đi lạc đang tìm đường. Con bé đến gần. Tôi hỏi, có chỗ nào vắng xe ở quanh đây không? Nó đáp, ra Văn Miếu, cháu đưa. Tôi lắc đầu, lôi bản đồ thành phố ra. Nửa giờ sau, tôi chẳng nhìn đống văn bia tiến sĩ, tìm một gốc cây tỏa bóng mát, ngồi thật im. Tôi nhắm mắt. Để chiếm hữu lại cái hiện tại tôi không chọn lựa. Để mò mẫm trong một cuộc kiếm tìm kẻ đã ngược dòng thời gian quay về triều Lý.

*

Quay về quá khứ giúp gì việc cần kíp hiện nay là tìm ra cho được vật Bảo quốc Hộ dân! Tôi loay hoay với chiếc Palm, mở ra đọc tiếp:

26-02

Khi tôi tỉnh, Trùm A ngồi bên cạnh. Tôi thều thào hỏi “cái vật quí hiếm đó đâu?”. Hắn giúi vào tay tôi một ống kim loại lạnh ngắt. Nắm chặt lấy nó như níu vào đời này, tôi mỉm cười, sung sướng tự nhủ, thì nó đây, cái vật quí hiếm mà tôi đã sẵn sàng hy sinh cái thân xác tôi trước nguy cơ phân hóa đến độ vô tướng vô hình trong cái lỗ đen không năng lượng - vật chất mà các nhà khoa học đương đại gọi là black hole. Trùm A văng tục, giọng bực bội:

:Nó là cái đèn pin của thằng chết bất đắc kỳ tử hai tháng trước. Thế thì bán cho chó cũng chẳng được! Thế là xong, quả này toi rồi. Nay trả lại anh cái hộ chiếu và những vật tùy thân. Tiền đô tươi thì chúng tôi giữ để thanh lý chi phí…”

Trùm A đứng dậy, nói với lại:

“Sáng ra, có xe đưa anh về Hội An, sau anh tìm xe đi đâu thì đi. Nhớ là cấm khai báo. Đừng quên cánh tay chúng tôi đủ dài để đến đâu với cũng tới, đi là đi, đánh là đánh, giết là giết như thời giải phóng, nghe chưa…”

Vứt cái đèn pin xuống đất, tôi lặng người, đưa tay quệt nước mắt không biết chảy ra từ lúc nào. Ensara thay quần áo, thu xếp đồ nghề, khinh khỉnh không thèm nhìn ai. Tôi ngoảnh về phía gốc cây, nơi có hình bóng một vị sư đưa tay bắt quyết khi tôi thò tay vào cái chum cuối cùng, thấy một vòng khói trắng như sương đang loãng ra, tai nghe, vẫn cái giọng ngọt ngào “… Bữa mô tìm thấy thì về đây với em!”

Xe rời địa phận Mỹ Sơn, chồm khỏi cơn ác mộng và nỗi thất vọng khiến não bộ tôi đóng băng, người mất hết cảm giác, chân tay đơ cứng hầu mất mọi khả năng điều khiển. Đến thị xã Hội An, tôi chỉ còn sức xuống xe, đứng lớ ngớ, hồn vía bay tuốt đến một cõi nào đó vô minh. Tôi mò ra Cửa Đại, thuê căn phòng nhìn ra biển trong một mini-hotel. Mở cửa sổ, tôi im lặng ngắm những con sóng bạc đầu cho đến khi chiều tà. Mặt trời đỏ tía lơ lửng chìm nơi biển lẩn vào trời, ánh sáng quết một vết loang loáng đỏ mầu huyết dụ, lịm dần, chuyển sang mầu đen thẫm. Tiếng đứa bé tôi gặp khi vào đăng ký thuê phòng chí choé. Nó dị dạng, mồm méo, răng chìa ngoài vành môi xưng vều, tay lêu nghêu, chân ngắn chân dài, thổi phì phò qua kẽ răng hở thứ âm điệu ngọng nghịu của những đứa trẻ lên ba học nói. Ông chủ khách sạn, chắc quãng lục tuần, cười cười:

“Cháu nội tui đấy… Đang chờ bồi thường nạn nhân chất độc da cam”. Chỉ một thiếu phụ đang lau bàn, ông tiếp “còn đây là dâu tui, lo công chuyện quản lý… Chú cần chi cứ nói nghen”.

Thiếu phụ ngước lên nhìn, ánh mắt lạnh lẽo, vô cảm.

Ra ngoài bãi biển, tôi tìm một quán ăn vắng người. Quán xập xệ, bàn phủ khăn plát-tích hoen ố, ghế đẩu, ngay cạnh là bếp đốt bằng những bình ga, thực đơn nhàu nát kẹp trong hai mảnh giấy nhựa đùng đục. Bà chủ quán đon đả:

“Chú ở khách sạn mini, phải hông?”

Gục gặc, tôi chỉ mấy thân dừa trốc gốc. Chưa kịp hỏi, bà chủ quán đã nói: “…trận bão tháng trước Tết đó chú. Mấy tháng rồi mà hổng ai tới kéo đi. Chẳng bù với mấy cái khách sạn quốc tế, ba ngày là dọn sạch bưng! Nhà gạch mà… Xóm “nhà lá” tụi tui thì đợi, trên xã nói còn đang “qui hoạch”, chú hà...”. Không thấy tôi nói gì, bà tiếp tục:

“… nếu cái ông chủ khách sạn chú ở còn là Chủ tịch thì chắc qui hoạch lẹ hơn bởi nếu không, ổng mất khách du lịch. Nhưng ổng “về” rồi, bị dân kiện vì lấy đất người ta ra chia cho quan chức mà hoàn trả không công bằng đó chú! Giá đền bù cuả Ủy ban chỉ năm phần trăm giá thị trường, giải thích thì thị trường định hướng này nọ, dân tụi tui nghe hổng hiểu gì ráo, chỉ thấy vậy là người ta trả giá rẻ mạt… Kêu lên Huyện, Huyện biểu kêu lên Thị xã. Rồi Thị xã biểu không giải quyết, kêu lên Tỉnh. Tỉnh lại bảo kêu lên Trung Ương. Rồi Hội đồng Bộ Trưởng, rồi Quốc Hội, rồi ông Thủ Tướng, ông Chủ tịch Nước… Thiệt cực, chưa thấy ai kêu chi mà được, chú à… Phải chi có gì cứu được dân oan, chắc nhiều người xin chết để đánh đổi đó chú!”.

A, cái chi cứu được dân oan! Bà quán ơi, tôi cũng đang đi tìm nó đây. Nó có, hay không có?

Nếu nó có thì thất bại ở Mỹ Sơn vừa qua là chuyện Tái ông mất ngựa. Vì tìm được, thì dưới áp lực của bọn Trùm là phải bán cho Mỹ, bọn còn tham vọng đế quốc. Cứ nhìn chuyện chúng nó nói chống khủng bố bên Irak nhưng thực tâm nhằm kiểm soát dầu lửa để khống chế Âu Châu khắc biết. Nhưng vật quí hiếm bảo quốc hộ dân đó, nó có, hay không có? Trước Tết, Rậm-ria điện thoại từ Đan Mạch, giọng nghiêm trọng: thần nhân mách bảo ta, thế là trao nhiệm vụ cho ba chúng ta, cứ gọi hỏi Tiểu-quỉ bên Anh xem. Tiểu quỉ rành rọt, em cũng thấy một con bướm trắng bay vào nhà, rồi đêm đó, một vị áo nâu sồng lay em, bảo cái vật quí hiếm kia đã “về” đất nước, kẻ nào có cơ duyên sẽ tìm thấy. Thế thì phải về, cơ duyên ngàn năm một thuở. Lên kế hoạch, tôi về ngay vì không công ăn việc làm trói buộc, dặn Rậm-ria và Tiểu-quỉ về sau, càng sớm càng tốt. Nhưng đến hôm nay, chúng vẫn biệt tăm hơi! Mở máy Palm bấm vào mục nhắn tin, vẫn chẳng có gì. Thế là sao? Hỏi bà chủ quán, quanh đây có cái cà-phê internet nào không? Bà chỉ tay vào con đường hun hút không một bóng đèn, đáp: “Chú đi bộ chừng nửa giờ, có … Nhưng tối trời thế này, chú là người lạ, không nên đi”. Cám ơn bà. Đúng thế. Tôi phải bảo vệ thân mình để còn đi tìm cái vật quí hiếm bảo quốc hộ dân chứ.

Giật nẩy người khi đẩy cửa khách sạn bước vào, tôi giụi mắt, tưởng mình quáng gà. Trong tranh sáng tranh tối, thiếu phụ tóc tai rũ rượi nhảy nhổm từ lòng một người đàn ông rồi lẻn vội ra sau. Ông chủ khách sạn bật đèn, vẻ bẽn lẽn, cười cười. Khi đó thằng bé tật nguyền xô ra. Nó giơ một chiếc gậy quơ lên, miệng ngọng nghịu hét toáng lên “ĐM mày, ông nội!”.

*

Hỏi cô tiếp viên khách sạn, tôi mới biết Thụy đến tìm, không gặp và để vài chữ nhắn lại, bảo Trang đã vào Thành Phố Hồ Chí Minh công tác ngắn ngày tuần sau mới về Hà Nội, nhưng sẽ cố liên lạc qua điện thoại. Thốt nhiên, tôi cảm thấy bơ vơ. Và bất lực. Thấy mặt tôi chảy dài, cô tiếp viên thì thào:

“Khi ở đây, ông anh của anh hay ra vườn hoa gần Quốc Hội, lắm khi tối mới về… Anh ra đấy thử xem, lắm khi may là gặp…”

Tôi gật đầu cám ơn. Đúng như mò kim đáy bể. Vô vọng. Tôi thốt nhiên sợ lên phòng khách sạn, chỉ một mình, giữa mười mét vuông lặng lẽ. Ra bờ hồ, tôi tìm tiếng động. Dẫu là tiếng xe, vẫn còn yên ổn hơn một sự im ắng có gì giống như khi đầu óc chập choạng lạc vào cõi u mê. Ngồi dưới bóng cây liễu, tôi nhắm mắt lơ tiếng chào hàng của những đứa bé bán thuốc lá, bật lửa, post card, ảnh khiêu dâm… cho du khách. Ăn mặc thế này, tôi nghĩ, chúng tưởng tôi là người Đại Hàn, Singapore, hay Đài Loan… qua đây mua đàn bà về làm… vợ chăng? Nghe đâu giá vợ - gọi cho chính xác, giá một nô lệ tình dục - khoảng năm nghìn đô cộng chi phí máy bay vu qui, bảo đảm vệ sinh, không aid , bán đứt với toàn bộ giấy tờ kết hôn và xuất cảnh chính thức.

“Chú ơi, chú…”

Con bé khều tay tôi. Mở mắt ra, chưa phản ứng thì tai nghe:

“Em chào anh… Em đến cám ơn anh lại cho cháu tiền ăn quà sáng nay!”

Mùi nước hoa đâm thốc vào mũi khiến tôi ngửng lên. Kề mông ngồi xuống băng đá cạnh bên cạnh tôi, mẹ con bé giả lả:

“Nói thật, thấy anh thương con bé nhà em, em mừng lắm… Cái việc hôm nọ, anh bỏ qua cho em, thực tâm em chỉ muốn phục vụ anh mà thôi. Giọng nửa đùa nửa thực, mẹ con bé vừa cười vừa nói – anh muốn thì em cho con bé nhà em là con nuôi anh! Còn em, em già rồi, anh chẳng cần quan tâm đúng mức. Con bé nhà em sắp mười bẩy tuổi rồi, cái tuổi bẻ sừng trâu đấy…”

Thực không hiểu ý, tôi ngớ ra, nghếch mắt nhìn mẹ con bé, mồm há hốc. Mụ véo vào tay tôi:

“Ấy, em quí bác vì… bác thật thà. Này nhé… con nuôi bác, bác muốn làm gì thì làm. Bắt ngồi, ngồi. Bắt đứng, đứng! ’’

Mụ hinh hích, nháy mắt:

“… rồi bắt nằm, phải nằm, xấp ngửa thế nào cũng được, muốn gì có nấy. Em không phải khuyến mại mà chân thành nói với bác là cháu nó “còn nguyên si”, em phải tìm người xứng đáng cho nó. Thật tình, em bảo cháu, mẹ già sắp về hưu mất rồi, con phải cáng đáng cái cuộc sống chỉ có mẹ với con.” Im tiếng như lấy đà, mụ cao giọng, hất hàm nhìn con bé: “Con phải sửa soạn đi làm, lao động là vinh quang, phải không nào?”

Con bé cười, miệng toác ra, răng hở lợi, gật gật. Nhìn nó, tôi thấy thương. Nó chỉ độ mười bốn mười lăm là cùng, hiểu gì mà lắc với gật! Mẹ con bé đổi giọng, hạ xuống một ốc-ta, thầm thì:

“Tình thật, đời con gái ai rồi cũng qua một lần… Như em, em không may. Lần trước chưa thân, em dối bác, bảo chồng em ở bên Đức. Thật ra, nó ở đây nhưng lang chạ với con mụ Giám Đốc hơn nó hai giáp, bỏ bê mẹ con em gần chục năm nay. Em về quê ở Vĩnh Phú, thầy bu em đuổi, lại phải ôm con lên Hà Nội… Mà em thì chẳng nghề chẳng nghiệp gì, anh bảo sống bằng cái gì đây…”

Thình lình mẹ con bé nghẹn ngào, nước mắt ứa ra hoen vào lớp mascara kẻ mi chảy xuống. Không biết làm gì, tôi lúng túng đứng lên. Mẹ con bé nắm tay tôi lại, mặt căng cứng, nói qua kẽ răng:

“Em hiến nó cho anh, xin anh hai nghìn đô, lấy vốn làm ăn lương thiện chứ chẳng thể kéo dài thế này mãi. Giá này bọn đại gia ở đây có thể trả gấp đôi, nhưng em sợ cho con em, vì lắm khi chúng nó đến ba bốn thằng… khổ cho con bé! Được không anh?”

Tôi giằng tay ra. Tôi vùng chạy, không rõ tại sao. Bất lực? Hay xấu hổ? Hay phản ứng cuối cùng trước khi có thể phạm tội? Cứ thế cắm đầu chạy, tai tôi nghe tiếng huýt còi. Rồi tiếng thét chát chúa:

“Bắt lấy nó!”

Bóng áo xanh rêu túa ra. Một người mặc thường phục chặn đầu tôi. Hắn cong mình vòng tay ôm lấy bụng, xoay thế nào mà tôi ngã bịch xuống đất, tay tức thì bị khóa trái. Tôi kêu “bỏ tôi ra” thì người đó quát “câm miệng”. Công an ùa đến trong một chớp nhoáng. Người mặc thường phục, cũng là công an, giao tôi cho đồng đội. Chà, công an hữu hiệu thật. Lại có võ, chắc võ Tầu, bắt người ta dễ dàng. Tay bị bẻ quặt sau lưng, công an đẩy tôi vào một chiếc xe bít bùng nhanh chóng xịch tới. Về đến trụ sở công an quận Hoàn Kiếm, người trực là một trung úy đeo kính trắng hất hàm hỏi “cướp giật hả?”. Tôi lắc đầu. Trong người tôi không có giấy tờ, hộ chiếu thì khách sạn giữ. Thành khẩn khai báo lý lịch xong, tôi nghe ông ta lạnh lùng: “Tại sao anh lại chạy?”. Chết, nói thế nào bây giờ? Tôi ngập ngừng tìm kế hoãn binh câu giờ:

“Nói ra thì… xấu hổ…”

Viên trung úy nhìn xuống, tay vân vê ria mép, chờ đợi.

“Thưa… tôi bị ỉa chẩy, vội chạy về khách sạn để…”

Đưa tay ngăn tôi nói tiếp, viên trung úy chun mũi. Được thể, tôi xin cho vào toa-lét ngay. Thế là một công an mặt non choẹt dẫn tôi đi qua một cái hành lang, tay kè kè súng (tại sao, tôi không biết), mặt mũi khẩn trương. Trong toa-lét, tôi định thần, và phát hiện tôi chạy ngược chiều lối về khách sạn. A, dấu đầu hở đuôi, làm thế nào lấy vải thưa che mắt thánh đây?

*

28-02

Gõ xong “hai thằng chết tiệt, bay ở đâu, báo cho ta hiện ở Hội An hay ngay”, tôi bấm nút gửi, đứng dậy thanh toán tiền. Vừa từ quán cà phê Internet cạnh chợ bước ra, tôi thoáng thấy thiếu phụ quản lý khách sạn. Người đàn bà đó trên dưới ba mươi, da đen ròn, và nếu bỏ đi cái nhìn lạnh căm của cô ta thì phải nhận nàng mặn mà quyến rũ. Đi xăm xăm về phía tôi, người đàn bà chợt nhận ra, ngượng ngùng cúi chào. Mỉm cười, tôi đáp lễ, quay người tiếp tục đi. Hình ảnh ông bố chồng ôm con dâu tối qua khiến tôi lờm lợm, đầu lại hàng chục con sâu chúi xuống đào khoét mảnh đất đầy cảnh ngược đời này. Đi dăm bước, tôi nghe tiếng gọi giật giọng: “Chú ơi, khoan đi...Chờ chút, chú!”

Quay lại, người đàn bà tất tả chạy theo, mặt hớt hải. Tôi ngừng chân. Người đàn bà nhìn tôi, ánh mắt nay vài vỉ chứ không còn lạnh lẽo, miệng bấp búng: “chú làm phúc cho tui được nói đôi lời!”. Bỏ chiếc giỏ xuống, cô tay chắp tay vái tôi.

“Thôi, chị ơi! Đừng làm vậy, người ta nhìn...”, tôi nói vội, bước qua tránh cái vái giữa chợ. Tay chỉ quán giải khát trước mặt, tôi ngập ngừng “... mời chị vô đây nói chuyện cho tiện!”.

Người đàn bà ngồi xuống, mặt quay vào tường, dáo dác nhìn quanh sợ người đi chợ nhận ra mình. Trôi sạch ánh căm hận, mắt cô ta nay sâu xuống buồn bã như nước sông Hàn xẻ dọc thị trấn. Cô ta dặng hắng, nhỏ nhẻ:

“Tui tên là Chót, Út-chót. Nhà tui năm anh chị em, có chị Út Năm và ba người anh trai. Thời mặt trận Quảng Trị, khi tui mới sanh được ba tháng, ngày là nghĩa quân bên này, đêm là du kích bên kia. Ba tui và anh Hai bị bắn, tội là ác ôn có nợ máu với nhân dân. Kế đó chừng năm sau, anh Tư và chị Út Năm bị bom, chết mất xác. Giải phóng xong, gia đình tui trông cậy vào anh Ba đã tuổi lao động, còn mạ con tui buôn qua bán lại lặt vặt sống qua ngày. Thời chiến tranh với Kampuchia, mạ sợ anh Ba bị bắt đi nghĩa vụ, biểu “con à, mi là thằng con trai nối giõi tông đường, đi đâu được thời đi mà sống!”. Anh Ba vượt biên, đến lần thứ ba thì thoát. Ảnh được Canada nhận cho định cư, ban đầu ở Montreal, sau đi Toronto kiếm việc. Ảnh gửi tiền về giúp, mạ con tui có cái mà ăn, nhưng ở địa phương, bà con nói ra nói vô, công an tới làm khó dễ. Chồng tui, hơn tui một giáp, làm công tác an ninh huyện. Ảnh thuộc gia đình cách mạng, từng nhảy núi, cha ảnh chỉ huy đội du kích Bầu Bính. Thấy tui, ảnh ưng con mắt, tối ngày qua lại gạ gẫm lấy tui về làm vợ. Phần tui, mới mười sáu, tui đâu có biết chi đâu, biểu má tui quyết định thế nào tui làm vậy. Khi báo tin cho anh Ba, ảnh nổi hung, biểu thằng cha sắp thành xui gia đó chính là thằng đã kết tội cha tui và anh Hai, quyết chống lại tới cùng. Ảnh đâu biết mạ con tui cơ cực thế nào, nhà cửa cha ông để lại bị khiếu kiện là cướp đoạt tài sản nhân dân, lời ong tiếng ve tới độ chẳng dám ra đường. Khi biết tui lấy chồng, anh Ba cắt nguồn viện trợ. Từ đó, thư viết ảnh không trả lời. Riết về sau, thư bị trả lại. Ảnh bặt tin, mạ tui và tui hổng biết ảnh ở đâu... Ít lâu sau, mạ tui chết, dặn “... tau đi nhưng mi đã có chỗ yên thân, tau yên lòng. Ráng tìm anh Ba, làm sao cho ảnh hiểu, cứ oán hận mãi thì biết khi nào cho xong. Biểu ảnh, mạ không giận anh đâu, ráng có vợ con là mạ vui lòng rồi...”.

Người đàn bà nghẹn lời, bưng mặt khóc một chập. Lát sau, cô ta tiếp:

“... Lấy chồng được hơn năm tôi sanh cháu. Chú thấy đó, nó dị dạng. Đem lên bệnh viện Tỉnh, bác sĩ chẩn là nó bị chất độc da cam. Chồng tui khóc ròng hai ngày hai đêm, ôm tui kêu “ bây chừ làm sao? Anh thương em mà không làm chi được, em ơi!”. Cha chồng tui rầu rĩ bảo con “mi là đứa trai duy nhất, thế này thì bất hiếu, vô hậu vi đại...”. Tui nói với chồng “sao thì nó là máu mủ của mình, ráng nuôi cho nó lớn lên, nó lấy vợ đẻ con thì có cái chi mà sợ mất giòng mất giống!”. Ảnh nghe, lại khóc, cương quyết không ăn nằm với tui vì sợ. Cha ảnh lên bệnh viện Tỉnh khám nghiệm, hớn hở nói mình không bị chất độc. Ảnh biểu, cha sợ không người nối giõi thì nay đi tìm một bà còn tuổi sanh đẻ đi, mạ chết từ lâu rồi mà. Cha ảnh trừng mắt: “mi nói dễ vậy, tau còn lãnh đạo nhân dân thì phải giữ đạo đức cách mạng, đâu có thế được! Chỉ tui đứng xớ rớ, cha ảnh biểu – sẵn đây, tau cho mi thằng em, gột được cái tiếng nhà mình vô phúc, mi bị nhiễm độc da cam. Sau, mi làm cha nó, giấy tờ khai sanh đàng hoàng...”. Ảnh điếng người, lắc đầu. Từ đó ảnh canh tui như canh mồ canh mả, lắm bữa bỏ không đi làm trên huyện. Nhưng đâu cứ mãi thế được. Ảnh tính mua một căn hộ đưa tui đi, chưa kịp thì cha ảnh thừa cơ ảnh vắng nhà hãm tui. Thấy thân tui bầm dập thâm tím, anh hiểu ra, vào bếp tìm con dao phay chạy lên. Tui ôm chân ảnh tui khóc, án mạng thế này thì chết hết. Cha ảnh bung cửa chạy lên cơ quan, tối không dám về. Đêm đó, ảnh ra ngoài, chẳng biết đi đâu. Sáng ra, công an xã tới báo ảnh treo cổ ở miếu Thành hoàng đầu thôn...”

Người đàn bà gục mặt xuống thổn thức, khi ngửng lên, lại nhìn với ánh mắt căm hận cố hữu:

“Sau đó, cha ảnh cứ thế, dọa nếu tôi không chịu mà đi tố cáo thì ổng sẽ giết đứa con tật nguyền của tui... Thằng nhỏ nó biết, đêm đêm nó quặp chặt lấy tui. Ổng mò vô, là nó chửi ĐM mày, ông nội. Ổng đánh, nhưng nó không ngán. Khi ổng bị mất chức vì cướp đất thì ổng xây cái khách sạn mini, bề ngoài là cha chồng, nhưng... chú thấy đó, ổng làm tới như tối qua. Bây giờ, chú à... Xem hộ chiếu đăng ký ở khách sạn thì chú là Việt Kiều Canada. Tui nhờ chú giúp tui tìm anh Ba, giấy tờ tên... sanh năm... tại Quảng Trị, năm... còn ở Toronto. Liên lạc được ảnh, may ảnh thương mà cứu mẹ con tui khỏi cái cảnh khốn nạn này. Được không chú?”

Nhìn ánh mắt người đàn bà khẩn cầu, tôi gật đầu, nhưng biết là khó, vô cùng khó. Còn nước còn tát, biết thế nào hơn được. Để vá lại từng mảnh đời rách nát. Để cuộc đời này bớt đi tiếng khóc.

Trời ơi, giá mà tôi tìm được cái vật quí hiếm bảo quốc hộ dân kia nhỉ!

*

Số tôi may. Vị trung úy công an không để ý đến cái chi tiết chạy ngược hướng về khách sạn, nhưng kiểm tra đăng ký của khách sạn, xem xét hộ chiếu, và khi biết không có ai bị cướp giựt trưa hôm đó trên bờ hồ thì cho tôi về. Tất cả, mất ba giờ. Ra khỏi trụ sở công an, trời đã nhá nhem. Trút được một gánh nặng, tôi hớn hở như kẻ nhặt được tiền rơi, cười một mình khi tưởng tượng cảnh kể lại cho đám người quen rủ rê tôi tranh đấu cho dân chủ ở hải ngoại cái cuộc ở tù (chỉ ba giờ, nhưng tạm cứ lửng lơ) như một thành tích. Họ hẳn ao ước chứng cớ (được) tù tội hẳn hoi để có khả năng vươn lên lãnh đạo phong trào.

Về đến khách sạn, tôi điện ngay cho Thụy. Hắn hỏi: “Nghe nói công an đưa anh về trụ sở, có việc gì vậy?”. Dĩ nhiên, tôi kể hết, nhưng không nói chuyện bà mẹ định bán trinh con bé kiếm vốn làm ăn, và lặp lại lý do ỉa chẩy, với những chi tiết rất thuyết phục. Thụy dặn tôi ở đây ăn uống phải cẩn thận, gà thì gà cúm, heo thì heo tai xanh… Thụy bảo đã liên lạc được với Trang, và nàng dặn Thụy đi tìm một người bạn tên Ban Mai, là người cũng đã từng gặp hắn, thằng anh trời đánh của tôi. Chính Thụy mới gặp Ban Mai, chỉ biết cô ta công tác trong ty văn hóa tỉnh Hòa Bình, nhưng hứa sẽ tìm giúp số điện thoại.

Tôi ra ngoài ăn tối. Cô tiếp viên khách sạn chặn tôi ở cửa, thì thầm: “Lúc công an đến làm việc, em cứ sợ là anh bị bắt ở vườn hoa…”

Lắc đầu, tôi không nói gì thêm. Cô tiếp viên đoán “thế chắc anh bị đứa nào nó móc túi hay cướp giựt, phải không?”. Tôi lại lắc. Tai vách mạch dừng, ngay với cô tiếp viên này cũng nên khai báo thành khẩn. Thế là tôi kể lại, ngắn gọn thôi, cái lý do tôi đã trình bầy cho công an, và kết luận:

‘’Công an ta thật hữu hiệu, lại đối đãi rất lịch sự, không đánh đập nạt nộ gì, xử lý đúng nếp sống văn minh, theo hiến pháp và pháp luật”.

Không hiểu sao, cô tiếp viên cười bẽn lẽn. Còn tôi, tôi chợt giật mình. Bây giờ tôi cũng nói dối được. Và vô tư, cứ như thật.

Tôi đi ăn phở. Nhớ lời Thụy, tôi chọn phở 44, một quán phở nhìn ra hồ, có máy lạnh và bàn ghế hẳn hoi, giành cho những người có tiền như bọn du khách ngoại quốc và đám Việt Kiều. Phở thì chắc là bò, mà bò nước ta thông minh cần cù, chẳng phải như bò điên lở mồm long móng bị cấm ở Âu Châu đâu. Vừa húp nước phở, tôi vừa tự hỏi, lý do gì mà cô tiếp viên khách sạn cứ nhắc đến một cái vườn hoa, rõ là có ý dò hỏi xem tôi có gì dính líu đến đấy không. Thằng bé chơi trò điệp viên trong tôi thức giấc. Cộng hưởng với nỗi đớn hèn khiến tôi nói dối như thật, thằng bé đó đâm ra liều lĩnh, sống lại giấc mơ điệp viên thuở thiếu thời. Nó điều tra. Rất dễ, vì ai cũng biết. Đó là vườn hoa Mai Xuân Thưởng.

Trưa hôm sau, len lỏi giữa những tàn lá trụi nắng, tôi lần đến góc cái vườn hoa đó. Bạt trăng chắn gió che cho đám người kẻ ngồi kẻ nằm. Một bà cụ móm mém ngước lên nhìn, miệng mấp máy: “Ông hỏi ai?”. Tôi đáp “Thưa cụ cháu tìm anh cháu”, mô tả hình dạng hắn, nhưng chẳng một ai nói gì. Bà cụ lại gặng: “Cậu ấy từ đâu đến? Ở đây thì Bắc có, Nam có, Trung có. Tôi từ Thái Bình. Còn bà này - tay chỉ một phụ nữ xồn xồn, cụ thều thào - đến từ Kiên Giang. Ông cụ đây thì Đồng Tháp, ông kia từ Hà Tĩnh… Toàn người có tuổi cả. Trẻ thì trước có một cậu đến viết đơn khiếu nại cho dân oan, nhưng nay bị bắt rồi. Hiện còn một cô người Thái Bình, lại là một nhà ngoại cảm nên người ta còn e… Cô ấy bảo nhờ ơn trên, biết sớm muộn chúng tôi sẽ được cứu rỗi, oan khiên gì cũng giải được!”. Tôi thầm nhủ, với cái khả năng siêu nhiên ấy, cô ta có thể giúp tôi tìm ra cái thằng anh trời đánh kia không? Hỏi cô ấy ở đâu thì bà cụ bảo cứ đến khi mặt trời lặn cô ta mới ra đây, đầu đội khăn vàng, nhìn không lẫn được. Tôi đi quanh nhìn những tấm bảng cái bằng vải, cái bằng bìa các-tông, to nhỏ khác nhau, in bằng mực đen, viết bằng mực đỏ. Dựa vào những gốc cây như nghỉ mệt, bảng nào cũng oán thán:

- Tỉnh Quảng Ninh chủ tịch huyện Yên Hưng thu đất phạm hành lang an toàn của dân cấp cho tỉnh xây nhà, trích trái luật 20% tiền đền bù bất hợp pháp của dân

- Dân oan quận 9 TP Hồ Chí Minh đất không qui hoạch công nghệ ca o- lợi dụng chức vụ quyền hạn - cưỡng chế đập nhà – ba mẹ con tôi hiện nay bơ vơ không nơi nương tựa. Hãy cứu những đứa trẻ thơ vô tội. Phạm ngọc Sương…

Vừa hỏi một cụ ông đứng cạnh, “Thưa cụ, kiện ai thì nêu danh tính rõ rệt mới được chứ, nói chung chung là họ sẽ đổ quanh cho nhau, bao giờ giải quyết được!”, cụ lôi tôi xồng xộc đến trước tấm bảng, miệng la: “Tên tuổi đầy đủ nè!”

“Ủa, có phải Bùi Tiến Dũng là “con bạc triệu đô la” vụ PMU 18 không cụ?”

“Thì nó chớ còn ai nữa. Ăn no ở địa phương, rồi đá lên Trung Ương cho đánh quả tầm cỡ là “bài bản” chống tham nhũng đó chú! Chú có máy ảnh, bấm một cái làm kỷ niệm đi!”.Tôi hơi sợ, luống cuống nhìn quanh. Ông cụ cười, miệng không còn chiếc răng cửa nào, khích “Chú chụp nộp cơ quan mà, lo chi!”.Tôi thành thực “Cháu không phải là công an đâu!”. Một người đàn bà xông tới kêu: “Chú là phóng viên không biên giới, phải hông? Chụp hình tôi đi, tôi là dân oan đi khiếu nại 20 năm rồi… Chụp đi cho mấy ổng trong “đúp vê tê u” thấy, giúp tụi tôi có chút công lý. Ăn cướp mà hội nhập với thế giới được thì cả thế giới này chỉ là thế giới của kẻ cướp, chú nói vậy giùm tôi”. Không cưỡng được, tôi cờ-lích:

Người đàn bà cám ơn rồi nói nhanh:

“Chú biến cho lẹ, tối nay trở lại… Thế nào cũng có ăng-ten nó báo!”

*

Trời nồm báo giông. Tối nhá nhem, mây nặng trĩu chỉ chực đè xuống Hà Nội nóng như lên sốt. Điện cho Thụy, tôi xin được số Ban Mai ở Hoà Bình, nhưng là số cơ quan, tôi gọi không ai trả lời vì quá giờ hành chính. Ăn qua loa, tôi quyết định quay lại vườn hoa đang đươm độc với những người dân oan mất nhà mất đất, chủ ý tìm hỏi nhà ngoại cảm có khả năng đối thoại được với thần linh. Dĩ nhiên, tôi không dám nói với ai. Để lấy can đảm, tôi lại lấy tâm thế của một điệp viên nhị trùng đang bị bám, chơi trò đi vòng vèo, khi taxi khi xe ôm, tưởng tượng mình “cắt đuôi” địch. Đến gần vườn hoa, tôi tản bộ như một kẻ nhàn du, vào quán cháo giáp giãy nhà bỏ hoang. Dân oan giấu màn chiếu chăn mền ở đấy, mắt trước mắt sau, lúi húi xách về vườn hoa, lưng gò xuống tưởng có thể bé đi như con giun cái kiến. Đi theo họ, tôi bước vào một kịch trường kỳ dị:

Cảnh 1

Phông màn là những mảnh bạt plát- tích căng lên che trận mưa sắp ụp xuống. Đây đó, già trẻ lớn bé túm năm tụm ba nấu mì ăn liền, chỗ dùng bếp ga loại xách tay, chỗ chụm củi, tất cả lúi húi vội vã.

Bà già Kiên Giang (hướng về một cháu gái chừng mười tuổi)

“Lè lẹ nghe, coi bộ sắp mưa… (Bà ngửng nhìn trời, giọng ai oán) Đến trời cũng tiếp tay hành dân thế này à!”

Cháu gái:

“Mưa xuống cháu tắm cho sạch, bà hà… Mấy bữa rồi mình cháu ngứa, tắm được chắc sướng lắm!”

Bà già Kiên Giang:

“Đừng tắm truồng, cứ để cả quần áo… Mày lớn rồi!”

Gió lên. Những mảnh bạt căng như diều, bốc cao sắp như đưa cả đám người nhớn nhác lên trời. Ai nấy hối hả thu vật dụng. Trời tối xầm xuống. Chớp loé sáng rạch chéo một đường. Có tiếng sấm ì ầm vẳng lại.

Vàng Sao (người Tày, đầu chít khăn nâu, ngước lên):

“Mưa này ào xuống một lát rồi thôi!”

Một thanh niên hớt hải chạy vào. Đứng cạnh tượng Lý Tự Trọng, anh ta nói lớn:

“Có ba xe cảnh sát chặn đường ra, một xe bịt bùng và một cam nhông vận tải hiệu Huyndai. Tụi nó tính sẽ “cất vó”, báo để bà con sửa soạn!

Sư cô Đàm Niên (buột miệng rì rầm): Nam mô a di Phật cứu khổ cứu nạn…

Dân oan cuộn chăn màn đem giấu không để công an tịch thu mang ra đổ ở bãi rác Phúc Xá. Họ hối thúc nhau, trong khi mưa bắt đầu rơi.

Một cụ, ngực đeo đầy huân chương, đứng lên:

“Bà con cuốn cả bạt đem giấu, đằng nào thì cũng ướt đêm nay. Nhanh lên! Xong rồi ngồi bệt xuống đất, người này khoác tay người bên cạnh, khoẻ vòng ngoài, yếu vòng trong, níu lấy nhau khi bị lôi kéo… Nếu bị tan hàng, cứ nằm xuống, bà con nghe rõ chưa?”

Một sĩ quan công an tiến vào vườn hoa, quát:

“Bà con giải tán đi. Ngày kia họp Quốc Hội, chúng ta phải giữ “cảnh quan”, không nhếch nhác được!”

Cụ ngực huân chương (tiến lên một bước):

“Quốc Hội đại diện cho dân, kể cả dân oan chúng tôi đã thưa kiện khiếu nại vấn đề nhà đất cả chục năm nay. Kêu từ địa phương kêu lên Trung Ương nhưng vẫn không giải quyết nên mai này chúng tôi kêu đến những vị đại diện dân chúng tôi, để họ biết tình trạng chúng tôi nhếch nhác, càng nhếch nhác càng là sự thật! Chúng tôi không đi đâu hết!”

Sĩ quan (cười khẩy, mắt nhìn những tấm huân chương, giọng khiêu khích):

“Huân chương cụ mua đâu mà lắm thế!”

Một đầu gấu lực lưỡng đến đứng bên viên sĩ quan.

Ông cụ (nghiêm giọng):

“Huân chương này, chống Pháp có, chống Mỹ có, đều là do nhân dân cho tôi từ ngày các anh chắc còn bé đấy. Đừng ăn cháo đá bát…”

Đầu gấu (trừng mắt): Mày chửi ông à! Đúng là thân lừa ưa nặng (chưa nói hết câu, hắn đấm thẳng vào ngực ông cụ).

Ông cụ ngã chúi xuống, những người bên cạnh vội đỡ lấy, lôi vào vòng trong.

Bà cụ Thái Bình (rít lên):

“Chúng nó đánh người lương thiện, Đảng ơi!”

Mưa xối xả trút xuống. Đám đông, đâu khoảng sáu, bảy chục người, đồng thanh hô:

-Sống theo hiến pháp, pháp luật.

-Đảng ơi, cứu lấy dân.

-Đả đảo bọn lưu manh côn đồ khủng bố nhân dân.

Ông cụ bị đánh, miệng ứa máu, cố cất tiếng:

“Bà con không bạo động, đừng trúng kế khiêu khích!”

Thanh niên (khi nãy báo tin khoác tay sư cô Đàm Niên, ngước lên nhìn viên sĩ quan):

“Công an để đầu gấu đánh dân mà lơ đi à? Còn cái khẩu hiệu “thức cho dân ngủ, gác cho dân yên” nay đâu rồi?”

Sư Đàm Niên:

“Bây giờ à, nay thì “hét cho dân sợ, cướp cho dân trắng tay”. Nam mô a di đà Phật, đến chùa cũng cướp. Cướp thế là đi cướp cả cái phần thiêng liêng của bá tánh… Đi kiện, Ủy ban Tôn Giáo chỉ tay xuống phường, hỏi phường, phường bảo lên quận, đến quận, quận phán vấn đề là Trung Ương, ra Trung Ương, Trung Ương bảo đó là trách nhiệm cuả Ủy ban Tôn Giáo… Trong khi đó, bức tượng La Hán ở chùa ngoài thì bị đem trưng ở một cửa hàng đồ cổ bán cho khách từ Đài Loan, Nhật… Chục năm nay, viết gần ba chục lá đơn, chẳng ai giải quyết cho. Nay ra vườn hoa chầu trực thì cho đầu gấu đến đánh, thế là sao hả, Đảng ơi, Chính Phủ ơi!!!”

Đám người thình lình lại đồng thanh hô:

-Đả đảo bọn cậy quyền cướp nhà cướp đất…

-Đả đảo bọn cướp ngày tham nhũng…

Giữa tiếng hô đả đảo, phóng thanh rè rè cất giọng:

-Lực lượng Công an Thụy Khê để đồng bào đúng nửa giờ thu dọn, sau sẽ vào giải tỏa khu vườn hoa…

Vàng Sao (ồm ồm):

“Bay đuổi tao từ rừng chạy xuống, nay còn cứ đuổi thì tao đi đâu đây! Nương rẫy tao bay lấy, rừng tao bay chặt sạch, con suối nước trong nay hóa đục. Cho đến con gà con chó nhà tao bay cũng giải phóng luôn, để tao nuôi sáu đứa con tao bằng củ mài, củ sắn…”

Trời vẫn cứ mưa, dân oan thấm lạnh co ro ngồi chụm vào nhau. Đột nhiên có tiếng rú: “Trời ơi, ông làm sao thế này, ông ơi!” Đó là tiếng cô cháu ông cụ ngực đầy huân chương, nghe đâu nguyên Đại Tá quân đội nhân dân, từng tham gia chiến dịch Tây Bắc, bị thương lần đầu ở Điện Biên Phủ, hai lần sau ở Khe Sanh rồi Quảng Trị. Hai ông cháu từ Hoa Lư về thủ đô với một bị đơn kiện của nông dân mất đất, vất vưởng cả hai năm nay, lắm khi phải trốn vì sợ Ủy Ban Tỉnh phái người ám toán. Sư Đàm Niên đến cạnh ông cụ thò tay bắt mạch. Mắt nhắm nghiền, ông cụ thều thào:

“Không sao, chỉ lạnh thôi, lạnh lắm! Trận này, vì nhân dân, ta phải thắng, có hy sinh đến đâu thì nhớ lời Bác, bảo đi là đi, đánh là đánh, toàn thắng… ắt về ta…”.

Sư niệm Phật, giọng buồn bã:

“Ông cụ mê sảng rồi…”

Vàng Sao cởi áo mưa chăng lên che, ai đó đem một cái chăn bộ đội đắp cho ông cụ. Tiếng loa phóng thanh lại cất lên. Mưa ngớt dần, sương trắng đục bốc lên là tà mặt đất ướt sũng. Ông cụ mở mắt, lắng tai, miệng nhếch cười, nắm tay cô cháu, tiếng còn tiếng mất “còn sống, cháu phải tiếp tục kiện, nghe không!”. Ông lại mê sảng “Toàn thắng… ắt về ta. Nhưng để dân thế này là sao, Bác ơi?”

Tiếng loa phóng thanh, tiếng dùi cui đập vào những lá khiên nghe chói tai, rồi tiếng huýt còi, tiếng chân dận đất thình thịch. Ông cụ cố gắng hét lên:

“Không sợ! Vì công lý…”

*

Cảnh 2

Trời đột nhiên sáng rực lên. Một chiếc cầu vồng bắc ngang tầm mắt, mầu sắc rực rỡ, từ những bực thềm nhìn như Lăng hoàng đế, lơ lửng giữa không trung, từ từ hạ xuống kéo thành một bức tường. Thành quách hiện ra, uy nghi, sống động. Bà già đến từ Hải Dương xưa nay mắt toét nhèm nhìn gà hóa quốc la lên: “Giời Phật độ trì, nay tôi nhìn thấy được rồi!”. Dân oan trợn mắt, ngỡ ngàng đồng thanh hỏi, bà thấy gì, ông Chủ Tịch nước hay ông Tổng Bí Thư Đảng. Bà lắc. Thế thì chắc ông Thủ Tướng? Bà lại lắc, kêu lấy tay xoa mắt rồi chú mục nhìn, sẽ thấy, lạ lắm. Con bé định tắm lúc nãy chợt nhẩy cỡn lên, hét “cháu cũng thấy!”. Dân oan lấy tay che mắt nhìn như nhìn ống nhòm. Đúng lúc ấy, nhà ngoại cảm tên Hằng xuất hiện. Đó là một thiếu nữ thon nhỏ tuổi chừng đôi mươi, đầu đội khăn vàng, mắt sâu, to, và đen thăm thẳm. Sư Đàm Niên thốt lên:

“Mô Phật, hình như lính gác Lăng quân phục trắng, phù hiệu đỏ, đang từng bước xuống vườn hoa này, bà con ơi!”

Cô Hằng mỉm cười, giọng vui vẻ:

“Thì chính là họ đấy, giờ này là giờ đổi gác. Nhưng nhìn ngay giữa kìa, hình như ông Cụ cũng xuống đường…”

Dân oan nhẩy lên trầm trồ “Đúng thế!”. Đám đầu gấu tiên phong vào đuổi dân trố mắt ra nhìn. Không đứa nào bảo đứa nào, chúng lùi lại như để tự vệ. Viên sĩ quan công an điện về trụ sở, báo chuyện lạ, chờ lệnh trước tình thế mới.

Đoàn người di động theo đường vòng cung. Giữa hai hàng lính, ông Cụ bước, chân đạp vào không khí, bên cạnh là một nhà sư trọng tuổi, râu trắng, lông mày trắng, tay cầm thiền trượng choé sắc kim mầu vàng. Khi đến gần đám dân oan, ông Cụ cất tiếng. Không một ai nghe được gì, đưa mắt nhìn nhau. Dân oan thấy ông Cụ máy môi, cố đoán, nhưng rồi nhìn về phía nhà ngoại cảm cầu cứu. Cô Hằng lắng tai, rồi dịch:

-Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…

Dân oan òa lên khóc.

Con bé (níu tay bà già Kiên Giang, giọng quyết liệt):

“… Đấy, cháu có quyền tắm mưa. Tắm truồng mà thích cũng là quyền mưu cầu hạnh phúc!”

Bà già bóp tay cháu, nó kêu đau ầm lên.

Viên sĩ quan công an (nói vào máy điện đàm, giọng hốt hoảng):

“Ai cũng thấy chuyện lạ. Bây giờ thủ trưởng bảo phải làm gì? Cứ tấn công hay ngưng kế hoạch? Dạ, dạ… cứ cho đầu gấu xông vào như dự trù! Mười lăm phút nữa là hạn chót, tôi nghe rõ!”

Thình lình, ông già ngực đầy huân chương bay lên, lơ lửng rồi trôi như một cánh buồm về phía ông Cụ. Lính gác Lăng không hiểu thế nào lại giơ tay đứng chào theo nghi lễ.

Vị Sư (đứng bên ông Cụ bước lên một bước, tay chắp, miệng nói):

“Lão hữu đã về. Thế mà đã gần nghìn năm…”

Đến trước mặt ông Cụ, ông già cởi từng tấm huân chương ra tung vào không khí. Chúng hóa thành những con chim quyên liệng cánh xa tít, để lại tiếng hót ảo não buổi đông hàn nhiễu những giọt máu tươi.

Ông già (nghiêng mình, tay chìa đống huân chương):

“Tôi xin hoàn Cụ, toàn là những cái ảo. Ảo thế, mà tôi suýt chết ba lần!”

Ông Cụ (thở ra):

“Có ai ngờ! Mà thôi. Việc trước mắt là…”

Ông già (cướp lời):

“… là đưa đơn kiện của dân oan để giải quyết cho công bình!”

Ông Cụ (chép miệng):

“Thế thì đưa đến đâu ? Nay chỉ có thể đệ đơn lên Thiên Tào. Nhưng chú biết có biết không, Thiên Đình cũng chẳng hơn gì chính quyền dưới thế, quán tính không phải là ít, khá bảo thủ, trì trệ, chính sách nói chung đúng nhưng chẳng bao giờ cấp điều hành làm tốt cả…”

Vị Sư (cười):

“… nhưng được cái ít tham nhũng! Trên Trời không có đất nên đỡ được cái vụ cướp đoạt có qui hoạch như dưới trần gian này!”

Vị Sư vừa dứt lời thì một trăm đầu gấu hò hét xông vào vườn hoa. Chúng đánh đá loạn xị, quẳng mùng mền, giật những mảnh bạt xuống đất, vừa chửi vừa cười hô hố. Thế quyền thịnh nộ nên tất cả quá khứ vị lai bỗng như chưa hề có, chỉ còn độc một hiện tại thô bỉ làm như cuộc sống này không thể khác đi được. Bây giờ, chỉ còn tiếng nguyền rủa, oán thán. Bây giờ, chỉ có nước mắt. Bây giờ, chỉ rên xiết, quằn quại. Ông già ngực đầy huân chương vẫn là một người may mắn: ông đã chết!

Thình lình, sét nổ, lửa xé trời thành hai mảnh xanh lè. Trong ánh sáng quái đản của buổi tạo thiên lập địa, Vị Sư vung thiền trượng tạo ra một vòng tròn sắc vàng, miệng quát:

“Ngày ta mang đến đất này ý thức một dân tộc, lập triều Lý với Đạo hạnh và Phật pháp, ta đâu có tiên liệu được con rồng cất cánh mười kỷ trước nay thành một con rắn đất chỉ biết ăn bẩn rình lũ gà con…”

Cô Hằng (rú lên):

“Thầy, thầy lại về. Xin thầy cứu lấy đám dân oan chúng con…”

Đám đầu gấu bị oai lực cây thiền trượng đẩy lùi bẩy bước, ngã lăn cù, tản ra chạy lui.

Vị Sư (buồn bã):

“Dân oan phải tự cứu, ta chỉ làm được có vậy!”

Lực lượng an ninh tung “Quái long quỉ pháp”. Roi điện oằn oại trên không như những con bạch tuộc chụp xuống. Dân oan náo loạn la thét inh ỏi. Một trung niên hớt hải, một tay che đầu, tay kia níu cô Hằng, giọng van vỉ, “… cô có ngoại cảm được một người tên…, bị bệnh hoang tưởng, đã từng đến vườn hoa này một hai tháng trước không?”.

Cô Hằng (giọng không còn nhẫn nại):

“Lúc này mà hỏi những chuyện vớ vẩn thế à! Đi đâu nghe tiếng gào tìm Đào Hạ Trang thì chính là hắn, kẻ hóa rồ nhận mình là một người bạn triều Lý…”

N.D.