Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 3)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Bệnh viện Hồng Phúc nằm giữa một khu dân cư đông đúc ở phía tây thành phố. Nó ra đời trên một khu đất rộng tới năm hecta, sau ngày ta tiếp quản thủ đô từ tay thực dân Pháp và chính quyền Quốc gia Việt Nam.

Bây giờ, phần đất bên con ngõ đi vào được lãnh đạo xén ra, chia cho cán bộ công nhân viên bệnh viện và lãnh đạo sở y tế. Thêm mấy suất cho quận và thành phố nữa. Mặt bằng bệnh viện thu hẹp lại nhiều và bị đẩy lùi vào sâu hơn. Mỗi suất đất ăn chia rộng hẹp, vị trí đẹp xấu, tùy chức vụ và năm tháng cống hiến nhiều ít của mỗi người. Đương nhiên người lãnh đạo nhất nhì thì phải được phần đất nhất nhì... Người bán đi, kẻ xây nhà để ở hoặc cho thuê. Khang là cán bộ mới, không có tiêu chuẩn.

Ai được phần đất mặt đường cũng lấn ra thêm. Dân phố đua nhau làm theo. Ngõ dài đã không có vỉa hè, bị lấn chiếm, càng thêm nhỏ hẹp. Những người đau ốm đến cấp cứu, kêu trời... Sao cái ngõ này ngoắt ngoéo và sâu hun hút thế!

So với Quân y viện 101, Hồng Phúc nhỏ hơn nhiều, tuy thứ hạng tương đương nhau. Nó chỉ có bảy dãy nhà ba tầng nhỏ, được xây từ những năm bao cấp, không thật đúng quy cách và tiêu chuẩn của một bệnh viện. Có ba trăm giường bệnh và gần ba trăm nhân viên. Cây cối cũng rặt một loại xà cừ. Chúng được trồng từ lần đầu ngày Bác Hồ phát động "tết trồng cây". Trước khi Khang về đây không lâu, họ đã xây thêm một nhà mổ mới. Trong đó, có ba phòng phẫu thuật và ba phòng bệnh với một chục giường hồi sức. Trang thiết bị cũng không bằng nơi ông vừa bỏ đi. Tuy nhiên, so với những năm tháng ở chiến trường, Khang thấy việc mổ xẻ với trang bị ở Quân y viện 101 hay Hồng Phúc cũng đều quá tốt. Các phòng mổ cao rộng, khá hợp lý: sàn và tường ốp lát gạch men trắng. Những cái bàn mổ hiện đại đa chức năng của Trung Quốc, Liên Xô, Hungari, Đức Khang đều rất thích. Ánh sáng để mổ từ cái đèn nhiều pha được treo dưới trần, phía trên bàn mổ. Dụng cụ phẫu thuật của Hồng Phúc không nhiều như viện quân y 101, nhưng cũng tạm đủ. Cũng có dao điện, máy gây mê hiện đại và một máy thở RO5 của Liên Xô.

Mỗi khi mổ ở Quân y viện 101 hay bệnh viện Hồng Phúc, Khang đều nhớ tới bệnh viện cũ của mình ở Tây Nguyên, những năm tháng chống Mỹ.

Làm sao Khang có thể quên những cái phòng mổ vách nứa, mái lợp tre bương kiểu âm dương nằm trong rừng sâu, chính bàn tay mình cùng đồng đội dựng lên, trên vùng đất mà giọt nắng nhỏ cũng không lọt tới, với những cái bàn mổ cũng được làm bằng gỗ và tre rừng? Để có một mặt phẳng cho thương binh nằm, phải đặt lên đó một tấm phên tre trải nilon. Cả bệnh viện, chỉ có duy nhất một cái bàn mổ dã chiến bằng kim loại sơn màu cứt ngựa, nhỏ nhẹ, quá giản đơn, của người Trung Quốc sản xuất. Trong các bệnh viện ở miền Bắc, loại bàn ấy chỉ được dùng làm bàn thay băng. anh càng không quên những cuộc mổ trong hang đá, những cái hầm khoét sâu vào lòng núi hay đào dưới lòng đất chật chội, thiếu cả không khí để thở. Cái gì cũng thiếu. Mổ gì cũng phải căng mắt ra, nhờ một ngọn đèn xe đạp phập phù, lúc sáng lúc tối. Thi thoảng, cánh tay hay đầu của những người phụ mổ che khuất, hoặc người cầm đèn mỏi tay soi chệch làm phẫu trường tối mù, trong khi máu ở vết thương bệnh nhân đang phun trào dữ dội...

Cái bóng tối phủ kín trường mổ ở mặt trận ấy làm Khang xúc động. Anh nghĩ về những ngọn đèn không hắt bóng trong các phòng mổ thông thường. Ai đã thiết kế và chế tạo nó theo nguyên lý phản xạ và triệt tiêu của ánh sáng tuyệt vời đến thế? Với bất kỳ tư thế, hay hoạt động bất thường của mọi thành viên kíp mổ, những ngọn đèn ấy cũng không hắt bóng. Lúc nào trường mổ cũng sáng choang. Nó lại không tỏa nhiệt. Kíp mổ có đứng làm việc suốt ngày đêm cũng không phải chịu cái nóng tỏa ra, dù đèn có được kéo xuống thấp gần sát đầu mình.

Đã mổ dưới tán lá rừng già, mổ dưới hầm sâu, mổ trong hang đá với ngọn đèn xe đạp, đèn pin, đèn măng sông hay ánh sáng đỏ quạch của cây đèn bão thời chiến tranh, ta mới thấy quý vô hạn những ngọn đèn không đổ bóng ấy; ta cũng mới thấy mình phải chịu ơn sâu nặng và hiểu rõ giá trị to lớn của trí tuệ bác học.

Là bệnh viện tuyến cuối ở chiến trường, nó có nhiều phòng mổ. Để tránh thiệt hại lớn khi bị tấn công, các bàn mổ phải đặt xa nhau, cái trong lán giữa rừng, cái dưới hầm sâu.

Các loại nhà ở, hầm trú ẩn, nhà điều trị bệnh nhân, nhà mổ, hầm mổ... bác sĩ và y tá nhân viên đều phải tự đào lấy, làm lấy.

Trước khi vào Tây Nguyên, ai cũng nghĩ công binh sẽ đảm nhiệm tất cả các công trình bệnh viện. Bác sĩ chỉ phải lo công việc chuyên môn. Nhưng suốt thời gian chiến tranh, mọi người trong bệnh viện cũng như Khang không thấy công binh ở đâu! Không thấy đơn vị công binh nào hết. Anh có gặp, chỉ khi họ đã mang thương tích, chỉ khi họ đã trở thành người bệnh.

Cũng không thể ngờ nhân viên bệnh viện còn phải sản xuất tự túc lương thực và thực phẩm. Thường ngày, chỉ huy cắt quân số luân phiên đi phát nương, gieo lúa, tra ngô, đặt hom sắn. Phải vào rừng săn thú, xuống sông suối bắt tôm cá... để nuôi sống mình và nuôi dưỡng người bệnh. Lương thực và thực phẩm hậu cần cung cấp đã thiếu, lại quá thất thường. Lo ăn ngày ba bữa cho hơn bốn trăm cán bộ chiến sĩ và bệnh nhân, nhiều khi tới hơn hai ngàn người, quả là không dễ. Và khi bị giặc tập kích, y bác sĩ, y tá, hộ sĩ cũng phải chiến đấu như mọi người lính khác. Sau mỗi lần đọ súng, là một lần phải di rời bệnh viện. Lại làm nhà. Lại đào hầm. Lại đào công sự...

Có mấy cán bộ chiến sĩ trong bệnh viện hoảng loạn vì khó khăn, gian khổ; họ quá sợ hãi khi thấy ngoài thương binh đã lắm, bộ đội sốt rét, suy tim, nhiễm độc hoá học... vào viện ngày càng nhiều. Người vào rừng tự treo cổ lên cành cây, người nhảy xuống vực sâu, người khác bắn vỡ sọ mình... Còn những cái chết do tai nạn cây đổ, đá đè, đất lở, chết đuối, thú dữ tấn công...

Một buổi tối, Khang nghe được mấy cô cậu y sĩ, y tá và sinh viên ngồi ở phòng trực khoa Ngoại chuyện vãn, mà như thể họ đang tổ chức séminaire khoa học. Mọi người thảo luận sôi nổi về một chuyên đề thường xảy ra: Cái chết. Khang không ngờ trên mặt trận B3 Tây Nguyên, theo họ, có tới mười mấy kiểu chết!

* * *

Ai cũng thấy bệnh viện Hồng Phúc cần được xây dựng lại. Nhưng giám đốc Bùi Cường đã nhiều lần cắp cặp đi xin kinh phí chưa được. Cấp trên chỉ cho phép ông tiến hành những sửa chữa nhỏ.

Cũng lạ, Hồng Phúc đã bốn năm chục tuổi, vẫn có những người dân sống quanh tưởng nó chỉ là một cái bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng cho công nhân và cán bộ cấp thấp.

Nhân khi chỉ có hai người trong phòng làm việc của các bác sĩ, Ngân Hà cười hỏi:

- Anh mới chuyển ngành về, chưa quen, nên có vẻ buồn chán về hạ tầng cơ sở và công việc ở đây?

- Ồ, không! - Khang lắc đầu.

Nàng cười và nhìn Khang như bảo, anh đã bị bắt qủa tang những ý nghĩ tiêu cực mà vẫn còn chối!

- Những năm ở quân y, chắc anh mổ nhiều? Các bác sĩ khoa Ngoại Hồng Phúc, kể cả giám đốc, chỉ làm được những ca tiểu phẫu lặt vặt: Khâu các vết thương rách da, cắt bao quy đầu, mổ lộn màng tinh hoàn, chích nhọt, thay băng vân vân. Ruột thừa họ mổ cũng còn không thạo. Mà anh biết cả rồi, phải không? Hầu như có ca nào cần, đôi khi kể cả những ca tiểu phẫu, lãnh đạo đều mời giáo sư hay bác sĩ tuyến trên về mổ; không thì lại kính chuyển hết cả. Ngay bệnh trĩ, bệnh polype ở hậu môn, các thầy cũng đã cho bác sĩ bệnh viện mình được cầm dao đâu! Mổ lớn hay mổ nhỏ, các anh ấy chuyên trị đứng aide. Năm này qua năm khác, chỉ có aide, aide và... aide mãi. Cứ như các bác sĩ ở đây học mỗi "chuyên khoa aide" vậy! Khu Sản bên em cũng chỉ có bệnh nhân đến đặt vòng, hút điều hoà kinh nguyệt, chữa các bệnh viêm nhiễm âm hộ, âm đạo. Thi thoảng có mấy ca cắt tử cung, cắt u nang buồng trứng, thì là phần riêng của bác sĩ Thủ. Chúng em cũng chỉ được rửa tay vào aide, kéo van, thấm máu...

Khang im lặng nghe. Mới hôm qua, anh đã chứng kiến giám đốc kiêm trưởng khoa Bùi Cường điện thoại mời gọi tuyến trên về mổ giúp một ca bí đái. Hết giờ làm việc đã lâu mới thấy có bác sĩ nhân viên của giáo sư Nguyễn Đức Tấn tới làm. Người bệnh phải chờ, đau đớn, tưởng đã vỡ mất bàng quang! Khang thấy lạ quá. Trường hợp ấy chỉ cần đặt một cái ống thông đái qua đường niệu đạo. Nếu không được mới phải chọc hay rạch mở nhỏ ở trên xương mu, đặt một cái sông (sonde) bằng cao su hay bằng chất dẻo vào bàng quang, là xong. Nguyên nhân vì sao người bệnh bí đái sẽ xử lý sau. Ở đây, không ai làm được, hay họ không muốn làm những thủ thuật nhỏ như thế?

Cường tự quyết mà không hội chẩn, cũng không hỏi, không bàn với riêng một ai. Mặc dù các bác sĩ của khoa đều đi làm đủ mặt.

Đã ít nhiều thấy hoạt động chuyên môn của bệnh viện này, Khang nghe Hà nói vẫn thấy rất lạ:

- Vì sao mổ xẻ lại là phần riêng của bác sĩ Thủ?

- Vì anh ấy là lãnh đạo. Và cũng chỉ có một anh ấy mổ được các phẫu thuật sản phụ thôi. - Hà giải thích.

Giây lát, nàng lại hỏi:

- Không được phân mổ, mà anh không ý kiến ý cò gì à?

- Không sao! Tôi cũng cần nghỉ ngơi... Mà tất cả các bác sĩ ở đây, cũng không ai được mổ đấy thôi?

Khang cười ngượng ngập.

- Anh phủ nhận sự thật phải không? Các bác sĩ ngoại ở đây thì nói làm gì! Nhưng anh phải khác họ chứ? Em có đi báo cáo lãnh đạo đâu, mà cứ chối đây đẩy thế? Họp chi bộ xưa nay, em cũng không bao giờ moi móc phê phán ai hết. Buồn chán, thất vọng, cảm giác như mình bị kỷ luật, bị thất nghiệp, bị gạt ra rìa, bị loại bỏ... là tâm trạng chung của mọi bác sĩ phẫu thuật giỏi bỗng dưng gặp phải tình cảnh "treo dao" vô cớ như anh hiện nay.

Tuy miệng bác bỏ, nhưng trong thâm tâm Khang công nhận Ngân Hà nói đúng. Anh thấy mình được an ủi rất nhiều và thầm cảm ơn sự quan tâm của Hà. Mới chỉ quen nhau ít ngày, anh không thể bộc bạch, không thể tâm sự, giãi bày... Dù thế, có một người thiện cảm với mình ở nơi chân ướt chân ráo mới đến là rất đáng quý.

* * *

Hai người bệnh cấp cứu.

Ngân Hà khám, và nàng mời bác sĩ Khang xem thêm. Một bệnh nhân tuổi ba lăm, nám đen đầy hai gò má. Chị ta có nước da tái nhợt, bụng đau, mồ hôi vã ra ướt áo. Chỉ với phương pháp sờ nắn, cả hai đều thấy rất rõ khối u của người bệnh ở ngay bụng dưới. Nó liên quan với tử cung và hơi lệch về bên phải. Khối u bằng quả cam sành, di động hạn chế. Không cần các máy móc hiện đại và các phương pháp đặc biệt, cũng chẩn đoán được, đó là một u nang buồng trứng đã biến chứng xoắn. Tiên lượng mổ dễ.

Người bệnh thứ hai tuổi bốn lăm, u xơ tử cung băng huyết. Bà nằm, hai đùi khép chặt. Đôi mắt lúc nào cũng mòng mọng, rưng rưng. Đã mấy mùa rồi, ruộng đất của thôn xóm bà mất sạch cho các dự án doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và khu du lịch sinh thái. Đất làng của cái nhà chị kia cũng mất quá nhiều, vì cái trò chơi đánh gôn của những kẻ thừa tiền. Thêm một cánh đồng rộng lớn, họ lấy, rồi bỏ hóa, cỏ hoang lút đầu đã nhiều năm nay. Không còn ruộng đất cày cấy, xới xáo, trồng trọt... người thôn quê biết giở cái trò gì ra được? Làm đĩ, thì chỉ là phần của lũ gái trẻ... Những người già cốc đế như bà... và cái nhà chị kia, tuy tuổi đang còn ít đấy nhưng vất vả, bệnh tật, trông cũng đã già cóc cáy; ma quỷ nó cũng chả thèm đụng vào, huống hồ là các đại gia, và những ông cán bộ phốp pháp ăn trắng mặc trơn! Nông dân mà chân tay thừa thãi, đầu óc phát phiền, thì chẳng bệnh nọ cũng phải tật kia. Người ta đền bù cho ít tiền rẻ mạt; cả nhà không biết kinh doanh; ông ấy nướng vào mấy canh đỏ đen nhẵn túi. Thằng con trai bà lại theo chúng bạn, tiêm chích ma túy. Tài sản tuy không có gì, nó cũng cào cuột mang đi... Đứa con gái bà học làm y tá; thi vào trường đã mất đứt hai trăm triệu "tiền chống trượt"; bây giờ chỉ dám xin làm ở bệnh viện huyện thôi, người ta cũng lại rao một cái giá không kém nửa xu! Bao nhiêu oan trái, uất ức dồn tụ lại, nó mới thành u, thành hòn, thành cục, thành tảng trong bụng... Chứ không dưng chưa già lão gì lắm, mà đã gục quỵ, như thể những con trâu già kiệt sức, gặp phải thời vụ đói ăn và ngày đông tháng giá thế này! Sao ông giời làm tình làm tội đàn bà nhà quê chúng tôi nhiều đau đớn thế?

Người nhà của cả hai bệnh nhân kéo vào kín phòng. Ai cũng xin các bác sĩ mổ giúp ngay cho!

Bỗng mọi người ngơ ngác, rồi họ len lét kéo nhau, bấm nhau cùng dạt cả ra ngoài.

Giám đốc Bùi Cường bước vào, lẳng lặng và lạnh lùng. Thân nhân người bệnh nhìn rõ chức vụ của ông, ở cái biển ông đeo trên ngực. Lại thêm dáng người to lớn, lừng lững. Và ông lừ lừ vào giữa đám đông, mà không nhìn ai.

Hai bệnh án vừa mới làm xong. Các xét nghiệm máu cấp cứu đã gửi đi, nhưng chưa có kết quả trở về. Ngân Hà ngạc nhiên. Không biết nhân viên nào báo cáo lãnh đạo nhanh thế? Nàng đã cho ai mời ông ấy đâu!

Ông giám đốc ngồi xuống ghế, vẻ đường bệ. Không thăm khám bệnh nhân, ông chậm rãi nguệch ngoạc mấy chữ: "Chuyển viện tuyến trên". Giám đốc ký. Chữ ký rất to. Nó choán gần hết cả nửa trang bệnh án.

Bùi Cường vừa đứng dậy vừa nói với Ngân Hà, bộ mặt và giọng điệu vẫn lạnh như băng:

- Anh Thủ đi vắng. Cô báo cáo bác sĩ Trịnh, xin xe và cho một bác sĩ đi hộ tống bệnh nhân cẩn thận.

Ngân Hà thấy rõ cảm giác lạ lẫm hiện lên trong đôi mắt Khang. Anh ngạc nhiên nhưng không nói gì. Ở Hồng Phúc, chuyển tuyến trên những ca bệnh này ư? Và bác sĩ phải đi hộ tống bệnh nhân chuyển viện, trong khi các bệnh viện khác việc đó chỉ cần y tá? Ở đây, không bác sĩ nào mổ được cái phẫu thuật nhỏ như u nang buồng trứng?

Hà cũng không lạ về thái độ lạnh nhạt của Cường với mình. Bỗng dưng cô bị bỏ rơi, sau khi ông mãn khóa lý luận chính trị cao cấp, về nhậm chức giám đốc bệnh viện Hồng Phúc. Đó cũng là lúc ông đã thân thiết với cô kế toán trưởng. Hôm nay, có mặt bác sĩ Khang, Cường càng lạnh lùng hơn.

Nàng nói, khi trong phòng chỉ còn hai người:

- Em đã tưởng anh Thủ đi vắng thì giám đốc phân anh mổ hai người bệnh ấy cơ đấy. Không ngờ anh Cường bắt chuyển cả đi. Giám đốc chưa biết khả năng của anh?

Khang cười:

- Khi mới về nhận việc, theo yêu cầu của giám đốc, anh đã viết ra giấy những phẫu thuật mình làm thường ngày. Không thể nói là giám đốc chưa đọc. Và đã đọc, cách đây không lâu, làm sao anh ấy đã quên? Bởi trong cái bản kê khai ấy, anh chỉ gạch đầu dòng mấy phẫu thuật chính. Chắc lãnh đạo chưa muốn anh mổ. Mới hôm qua, anh ấy chờ bác sĩ tuyến trên mất cả mấy giờ đồng hồ, chỉ vì một thủ thuật nhỏ ở một bệnh nhân bí tiểu. Anh Cường không chỉ định anh, cũng không tổ chức hội chẩn.

- Chắc anh Cường cho rằng anh chưa quen với nhân viên nhà mổ? - Ngân Hà nói với ý để an ủi.

- Nơi nào lãnh đạo cũng có thể đối xử với cán bộ mới về như thế cả. Bác sĩ mới và nhân viên nhà mổ quen biết nhau hay không, cuộc mổ vẫn được tiến hành tốt đẹp, nếu anh ta thực sự là phẫu thuật viên.

Khang bỗng lặng thinh. Mọi người trong kíp mổ, bất kỳ một bệnh viện nào, chẳng phải làm việc theo sự chỉ huy của người mổ chính? Những năm trong quân đội, ngoài công việc ở bệnh viện của mình, ông đã đi mổ nhiều ở tuyến trước, ở các đội điều trị, các bệnh viện dã chiến, các đội phẫu thuật tiền phương. Những cuộc mổ ấy, không chỉ ở các vùng Cánh Trung, Cánh Nam Tây Nguyên thời chiến tranh chống Mỹ; và sau, là ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Đồng Bành, Đồng Mỏ, Sơn Động, Biển Động, Lục Ngạn... Bệnh viện dân sự đôi khi họ cũng mời. Những ca mổ đầu tiên ở mỗi cơ sở, bác sĩ nào chẳng là người mới?

Lát sau, ông thở dài nói tiếp:

- Rồi mai đây, giám đốc sẽ cho giữ lại những trường hợp như hai ca Ngân Hà vừa nhận lệnh chuyển đi.

Khang định nói, chuyển viện những ca cấp cứu như thế là có hại cho người bệnh nhiều lắm. Nhưng ông đã kịp dừng lại. Đã biết người đối thoại với mình lòng dạ thế nào? Từ những câu nói chân tình, người nghe có thể hiểu lầm. Anh ta vừa mới chuyển đến mà đã tự cao tự đại, dám phê phán cả người lãnh đạo cao nhất? Anh ta dám chê bai giám đốc, người đứng đầu bệnh viện, thì mai đây còn coi ai ra gì!

Khang biết, cán bộ ở đâu cũng không thiếu những kẻ xu nịnh. Họ tìm kiếm cảm tình, lợi lộc ở bí thư đảng uỷ và giám đốc bằng việc mách lẻo. Tư cách ấy không thua những kẻ lưu manh. Nhưng với lãnh đạo, họ được coi là công dân có ý thức làm chủ tập thể, thái độ đúng đắn, lập trường vững vàng và tinh thần xây dựng cao! Lãnh đạo nào cũng muốn nắm nhanh thân thế, tư tưởng và khả năng của cán bộ mới. Quan trọng nhất là hắn có thần phục và cúc cung với mình hay không? Có người tìm hiểu, để báo cáo, là quá hay rồi. Giám đốc nào chẳng quý, bí thư nào chẳng khen. Và tất nhiên, ai làm thân được với lãnh đạo, rồi sẽ được nâng đỡ, ưu ái nhiều mặt. Giọng điệu bợ đỡ khi nào chẳng dễ lọt tai. Giọng lưỡi ấy ở một người đàn bà, lại càng tin tưởng... Và rồi sẽ có nhiều chuyện không hay, khó lường, cho người mới tới.

Những thói tật đã thâm căn cố đế!

Khang bình thản nói tiếp:

- Người bệnh rồi sẽ đến nhiều. Khi ấy, ngoài anh Thủ hay giáo sư tuyến trên, các bác sĩ của bệnh viện Hồng Phúc và chính Ngân Hà nữa, cũng phải mổ thôi.

- Anh dạy bọn em mổ nhé! Anh nói đúng. Để bệnh viện đứng vững và phát triển, sớm muộn lãnh đạo cũng phải nghĩ tới việc giữ người bệnh lại để bác sĩ của mình tự mổ, tự điều trị, phải không? Mời giáo sư mãi, họ cũng sợ bị cấp trên đánh tụt hạng xuống chứ? Các ông bà giám đốc ở đây ăn lương lãnh đạo bệnh viện hạng hai kia mà? Em biết kế hoạch một vài năm tới, họ xin lãnh đạo cấp trên nâng cấp Hồng Phúc lên bệnh viện hạng nhất cơ đấy.

Ngân Hà nhìn ra cửa, không thấy có ai, nàng nói thêm:

- Chế độ lương bổng của lãnh đạo cũng như việc rót kinh phí cho bệnh viện hạng nhất cao hơn hạng hai rất nhiều, mà anh. Rồi sắp tới, họ phá bỏ mấy cái nhà cũ kỹ lạc hậu này đi; và xây dựng những ngôi nhà cao tầng. Sẽ có nhiều lợi lộc to lớn ở đó.

Như sợ mình nói hớ, nàng chuyển hướng câu chuyện, nhưng không hoàn toàn được như ý muốn:

- Từ ngày hoà bình, thống nhất đất nước, quá ít bệnh nhân vào nằm điều trị nội trú ở bệnh viện này, anh ạ.

- Vậy mà người bệnh đến, giám đốc vội chuyển đi ngay? Làm thế nào để các anh ấy thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trong nhiều năm qua?

- Giám đốc có sáng kiến tổ chức nhiều đoàn bác sĩ tỏa đi, khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ công nhân viên ngay tại cơ quan, nhà máy của họ. Các bác sĩ đưa về bệnh viện những người có bệnh. Cả những người chỉ ăn uống kém, mệt mỏi hay gầy yếu... Thậm chí, người thể lực tốt và không bệnh tật, vẫn được lãnh đạo cho làm bệnh án điều trị với chẩn đoán "suy nhược thần kinh" hay "Mất ngủ chưa rõ nguyên nhân". Một số người bia rượu, nhậu nhẹt vô độ... Chỉ cần hướng dẫn họ thực hiện một chế độ ẩm thực hợp lý, nhưng họ cũng được điều trị với thuốc an thần và vitamin. Phát ngay tại chỗ, anh ạ. Với biện pháp tích cực và linh hoạt ấy, năm nào bệnh viện Hồng Phúc cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao. Hồ sơ bệnh án đẹp, sạch, không hề nhầu nát. Thì vừa làm xong, phát thuốc cho người bệnh rồi cất vào tủ ngay. Kiểm tra chéo, năm nào Hồng Phúc cũng được xếp nhất bộ cơ đấy.

Phần cuối câu chuyện của Ngân Hà, Khang như không nghe thấy. Anh nghĩ bệnh viện hạng hai ở thủ đô, Hồng Phúc có chức năng ngang với bệnh viện các tỉnh, mà không mổ được những ca trung phẫu? Thậm chí mổ nhỏ cũng phải đi mời! Các bác sĩ ở đây không biết mổ gì, đúng như Hà nói, hay họ giỏi đấy mà không chịu làm? Bây giờ, bệnh viện tỉnh nào chẳng mổ được các đại phẫu thông thường. Một trong hai người bệnh giám đốc Cường vừa ghi lệnh bắt Ngân Hà chuyển đi, ca u nang buồng trứng xoắn và ca bí đái hôm trước nữa, theo phân tuyến điều trị của Bộ Y tế, khoa ngoại các bệnh viện huyện, hạng ba, cũng được phép làm. Có bệnh viện huyện còn làm được nhiều loại phẫu thuật đặc biệt. Tiếc cho Hồng Phúc, Khang cũng buồn cho mình, một phẫu thuật viên chính làm đại phẫu từ hơn hai chục năm nay, mà phải trơ mắt đứng nhìn lãnh đạo chuyển bệnh nhân đi cho nơi khác mổ!

- Em bảo này! - Ngân Hà ngồi xích lại gần Khang và giọng nhỏ hẳn đi: - Về bệnh viện này ngay từ khi mới ra trường, nên em biết rõ cả mấy đời giám đốc. Các ông ấy đều giống nhau; ông nào cũng cảnh giác với chuyện mổ xẻ. Lãnh đạo sợ nhiều thứ lắm. Sợ thất bại. Sợ tai biến. Sợ chảy máu không cầm. Sợ tử vong! Đặc biệt, Lãnh đạo sợ cánh nhà báo. Các phóng viên thường trà trộn, đóng vai bệnh nhân, giả vờ đi khám bệnh, đi thăm người nhà, nghiêng ngó tìm đề tài, ghi âm và chụp ảnh trộm... Để viết bài "đánh" các bác sĩ! Báo chí đánh các bác sĩ nhân viên, dĩ nhiên các ông bà lãnh đạo nhiều ít phải chịu trách nhiệm. Chính vì tâm lý sợ báo chí đăng tải, chọc ngoáy... nên sếp phải thận trọng. Mổ gì, sếp cũng sợ bị kiện cáo. Vì thế, cứ có bệnh nhân phải mổ, sếp mời các giáo sư hay bác sĩ của các bệnh viện tuyến trên. Hoặc bắt chuyển đi, như hai ca anh em mình vừa khám. Khi tuyến trên mổ có tai biến, sếp giải thích: "Chúng tôi đã thận trọng tối đa rồi. Rất thận trọng, nên đã mời giáo sư đến mổ. Chuyện không may xảy ra là do bệnh tình quá nặng, vượt khả năng chữa trị của y học hiện đại. Mà lỗi là tại gia đình, các ông các bà đưa người nhà đến đây muộn quá!"

Người đỡ đầu, người cáng đáng mổ xẻ cho Cường, anh biết ai không? Chính là giáo sư Tấn đấy.

Em còn nghe... Hiện nay, sếp đang đi lại với các chính khách để tranh thủ một ghế hội đồng nhân dân thành phố, hoặc một ghế đại biểu quốc hội. Muốn đạt mục đích ấy, sếp phải giữ bệnh viện mà mình lãnh đạo không tai tiếng gì. Chỉ cần nhiều năm hoạt động vượt kế hoạch một cách êm thấm và chờ khi có sự sắp xếp, cơ cấu là được. Sếp đã có cái bằng khen của thủ tướng, đã được huân chương lao động, lại có một số bài báo biểu dương thành tích. Sếp sợ, nhỡ có phóng viên nào đó moi móc...

Hiện nay, kế hoạch cá nhân của sếp lớn lắm. Ngoài những gì đã có, anh ấy còn phấn đấu mấy cái danh hiệu nữa. Ấy là bác sĩ hoặc chuyên viên cao cấp, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Về kinh tế, thì sếp đang chờ phá mấy dãy nhà cũ, xây nhà cao tầng... chờ tiền dự án nghiên cứu sức khỏe sinh sản ở phụ nữ, dự án sinh sản vị thành niên, dự án nghiên cứu hệ tim mạch và hô hấp người già, dự án nghiên cứu sức thở của những người dị tật gù vẹo cột sống và bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt là dự án nghiên cứu hô hấp của thương binh có các vết thương lồng ngực, cả thời kỳ chống Pháp lẫn chống Mỹ. Tiền chi cho các dự án ấy là rất lớn, khổng lồ đấy anh ạ!

Nghe những thông tin của Ngân Hà, Khang nghĩ, cái đáng quan tâm, điều cần lo lắng của giám đốc bệnh viện, quan trọng nhất, ngoài tuân thủ mọi quy chế chuyên môn, là phải không ngừng nâng cao kiến thức khoa học, nâng cao trình độ tay nghề cho các bác sĩ, y tá. Trang thiết bị cần đầy đủ và hiện đại. Việc phục vụ người đau ốm phải chu đáo từ những việc chăm sóc hộ lý nhỏ nhất. Cũng phải nâng mức sống cho tất cả nhân viên. Nhưng anh chỉ nói:

- Báo chí đăng tải nhiều những bài viết về vấn đề tiêu cực của các bác sĩ như hiện nay, nghĩ sâu xa thấy đau xót quá. Đấy là nói về những bài phản ánh đúng sự thật. Có không ít bài, như một sự hiểu lầm. Viết đúng hay sai còn do trình độ, khả năng nghề nghiệp cũng như lương tâm của người viết nữa. Có bài làm nhiều độc giả day dứt, bức xúc... không đáng có.

Họ đua nhau săm soi y đức của các thầy thuốc. Không phải vì là bác sĩ mà anh ca tụng nghề nghiệp mình. Họ chưa hiểu, nghề y khó nhất trong các nghề. Khó ở công việc phải làm sao cho đúng và an toàn với mỗi một con người cụ thể. Thầy thuốc cũng là con người. Nên chúng ta còn phải vượt qua cái thói ưa nhàn, thích khoa trương và lòng tham tiền bạc.

Các thầy thuốc tốt đều chán nản khi đọc những bài báo bôi nhọ bản thân hoặc đồng nghiệp. Rồi Hà xem, không lâu đâu, những người làm báo sẽ tự dừng lại. Nước ta không có báo tư nhân. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thấu hiểu và chỉ đạo việc đăng tải. Người bác sĩ chưa tốt, bác sĩ sai lầm... không phải không có. Nhưng các vụ việc không hay, liên quan đến cơ thể người bệnh, đều ngoài ý muốn của họ. Họ đều ân hận, đau xót, trước mọi tổn thất xảy ra. Chỉ cần lãnh đạo bệnh viện cùng trưởng khoa làm việc riêng với những cá nhân bác sĩ đó. Hơn mọi ngành nghề, các bác sĩ, ngoài lòng thương yêu con người, tình yêu cuộc sống... còn có tinh thần tự trọng. Chẳng thế, chỉ có giới bác sĩ mới có lời thề nghề nghiệp, lời thề Hippocrates. Nó lưu truyền đã hơn hai ngàn năm rồi. Lời thề ấy được đọc trang trọng trước khi thầy thuốc ra trường, trước khi họ hành nghề, trước cả một đời tận tụy. Nó giúp thầy thuốc chúng ta gìn giữ lương tâm, trí tuệ và hai bàn tay mình sao cho trong sạch. Người có khuyết điểm tự soi mình vào đó để sửa chữa. Không kể những vụ việc vi phạm pháp luật, việc đưa chuyện tiêu cực của một thầy thuốc lên mặt báo, lên truyền hình, cả nghìn bác sĩ khác chạnh lòng. Điều đó làm giảm đi rất nhiều tâm huyết của họ. Sự phê phán thái quá, dù chỉ nhằm vào một vài người, cũng sẽ làm cho số đông bác sĩ tìm đến với cái mộc, cái khiên... Tâm lý đề phòng, chống đỡ... và sự giả dối có khoảng cách rất gần. Thiệt cho người bệnh. Và chính điều đó, nó làm xấu dần nghề thầy thuốc vốn từ xưa trong sáng, cao quý, trong khi lương tháng của các bác sĩ quá thấp!

Mỗi bài báo phê phán thầy thuốc chắc chắn được nhiều người đọc. Nó làm mất lòng tin và cũng làm giảm đi tinh thần tôn sư trọng đạo cần thiết của họ. Sự hợp tác của người bệnh với bác sĩ sẽ kém đi...

Khang nhớ thời bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, cơ sở y tế nào cũng có Hòm thư góp ý. Người bệnh và gia đình họ có thể gửi vào đó những lời khen và cả những điều mà họ bức xúc, cần phê phán hay đề nghị phải được người có trách nhiệm xem xét... Hình thức đó, đủ cho bác sĩ sửa chữa sai lầm.

Không biết người ta đã vứt đi những cái Hòm thư góp ý ấy từ những năm nào?

Rồi không đợi Ngân Hà nói gì, Khang tiếp:

- Ngân Hà vừa bảo, giám đốc rất thận trọng với việc mổ xẻ? Tốt quá. Cần có tư tưởng và thái độ như vậy. Rất cần. Là lãnh đạo, càng phải thận trọng...

Nhưng thận trọng khác với không hiểu biết, khác với không có tay nghề, khác với vô trách nhiệm. Càng khác với sự lười biếng, ích kỷ, tư lợi và hèn nhát. Những vấn đề ấy có thể bị người ta ỷ thế, cậy quyền mà ngụy biện, viện dẫn với khẩu hiệu: "Tất cả vì người bệnh ruột thịt" làm lẫn lộn phải trái, trắng đen.

Các thầy thuốc giỏi, trong đó có bác sĩ mổ xẻ, bao giờ cũng thận trọng. Thận trọng và dũng cảm. Hai đức tính ấy không khi nào thiếu trong những kẻ sĩ chân chính của mọi thời đại. Hà biết nhiều tấm gương thầy thuốc mẫu mực của ta và thế giới thời nay, cũng biết chuyện Biển Thước, Hoa Đà, Tuệ Tĩnh, Lãn Ông rồi đấy.

Chợt Khang ngừng lời. Anh thấy lạ, sao bỗng dưng hôm nay mình nói nhiều quá thế!

Ngân Hà nghe hết sức chăm chú. Thấy quý anh, và cũng là để làm thân, nàng bảo:

- Cho qua những chuyện không vui đi anh ạ. Hết giờ, ra phố ăn cơm với em.

V.O.